Kết luận phiên giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" ngày 7/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng vấn đề an ninh năng lượng đang gặp nhiều thách thức lớn, cần vượt qua.

Giá điện vẫn chưa phản ánh đúng quan hệ cung cầu

Các nguồn tài nguyên như than, dầu khí, thủy điện… đã đến giới hạn, khả năng khai thác để tăng sản lượng rất khó khăn, không còn nhiều dư địa. Cụ thể, than sạch khai thác trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Dầu khí khai thác ngày một khó khăn; các tiềm năng về thủy điện cơ bản được khai thác gần hết.

Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối còn dư địa song cũng gặp khó khăn về giá điện, về môi trường và đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống điện. 

{keywords}
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: An ninh năng lượng đang gặp nhiều thách thức

Thứ hai là về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, chấp hành quy hoạch còn có hạn chế, có lúc có nơi chưa nghiêm. Công tác phối hợp, điều hành, quản lý còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột, thủ tục kéo dài.

Việc triển khai các dự án còn chậm tiến độ. Ví dụ riêng lĩnh vực điện, về nguồn điện đầu tư tính theo công suất toàn quốc giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 81,4% kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 93,7%. Trong khi đó cơ cấu các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện chỉ đạt 57,6%, 10 dự án lớn dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 bị chậm tiến độ.

Sau năm 2020, các dự án này mới có thể hoạt động với tổng công suất là 7.000 MW. Cụ thể là các nhà máy: Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Na Dương 2, Cẩm Phả 3, Ô Môn 3, Công Thanh… Tình trạng này dẫn tới tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện đã giảm: Giai đoạn 2011 - 2015 là 13%, nhưng giai đoạn 2016 - 2019 chỉ còn đạt 8%, sụt giảm đáng kể là thủy điện và nhiệt điện.

"Có thể khẳng định chúng ta không đạt các mục tiêu theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Vấn đề nữa được Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý là về sử dụng, khai thác năng lượng chưa hiệu quả và còn lãng phí tài nguyên. Việc không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh năng lượng.

Ngoài ra, vấn đề thị trường, giá cả và khả năng tài chính cũng đang gặp thách thức. Theo ông Hiển, những năm qua, ngành năng lượng cả sơ cấp và thứ cấp đều được vận hành theo cơ chế thị trường và đạt kết quả nhất định.

Tuy nhiên so với yêu cầu của một thị trường đầy đủ, giá cả được tính đúng, tính đủ, có lợi nhuận hợp lý, hạn chế bao cấp, tạo nguồn lực tích lũy để đầu tư phát triển thì thị trường điện, giá cả kể cả bán buôn và bán lẻ còn có một khoảng cách.

Hiện nay, giá điện vẫn chưa thực sự phản ánh đúng quan hệ cung cầu, chưa theo quy luật giá trị, cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa thực sự phù hợp theo vùng miền, chưa đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư.

"Ví dụ, có nhiều ý kiến cho rằng một số lĩnh vực sản xuất được nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhờ lợi dụng giá điện thấp, nhân công rẻ, giá môi trường rẻ… Nhiều loại thiết bị, công nghệ lạc hậu tiêu tốn năng lượng được chuyển dịch vào Việt Nam những năm qua cũng vì lý do đó? Đây là câu hỏi cần được trả lời", Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Chẳng ai muốn mua gì đắt cả

Hiện nay rất nhiều địa phương, doanh nghiệp đề nghị được đầu tư, mặc dù đã vượt quy hoạch Điện VII điều chỉnh và mỗi lần điều chỉnh giá điện bán lẻ đều gặp khó khăn do người mua, dư luận không đồng thuận.

"Đó là lẽ thường tình bởi chẳng ai muốn mua gì đắt cả, càng rẻ càng tốt. Vấn đề là căn cứ, là công khai, minh bạch và hợp lý của giá điện. Đó là điều tốt cho cả người cung cấp và người thụ hưởng. Thiếu điện thì người cung cấp cũng khốn khổ mà người thụ hưởng càng khổ hơn", Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Ông Hiển cho rằng, nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán thì cũng là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Sự cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng là sự cạn kiệt của nguồn năng lượng.

{keywords}
Vấn đề giá điện và nguồn điện được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra trong phiên giải trình

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng. Phát triển năng lượng với tốc độ cao trong thời gian qua đã góp phần vào sự phát triển đất nước nhưng vấn đề môi trường mà ngành năng lượng để lại là một thách thức không nhỏ.

Vấn đề nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào ngành năng lượng theo ông Hiển cũng là câu hỏi cần đặt ra. Cùng với đó là, hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, có mặt chưa thống nhất, còn chồng chéo, chưa cập nhật với tình hình mới. 

"Phải làm tốt cái cũ, trước khi làm cái mới, phải chăng là cần thực hiện tốt quy hoạch đã có trước khi xây dựng quy hoạch mới; phải giải quyết được các dự án đang chậm tiến độ, các dự án nằm trong quy hoạch được phê duyệt trước khi làm các dự án mới. Phải giải quyết được các mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành năng lượng một cách nhanh chóng và khoa học nhất", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng với đó là phải đổi mới tư duy, thực hiện các nguyên tắc của cơ chế thị trường. Đồng thời, năng lượng phải đi trước một bước, phải tạo ra "bánh mỳ cho công nghiệp chứ không thể để công nghiệp thiếu, đói".

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng: "Tăng trưởng của điện năng luôn phải cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Giai đoạn trước phải làm nền móng, tiền đề cho giai đoạn sau. Nếu không làm được điều đó thì không thể nói đảm bảo an ninh năng lượng".

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cương quyết không để lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối.

Thu Hằng

Bộ trưởng Công Thương: Chúng tôi cũng thấy tiếc khi chưa giảm được giá điện

Bộ trưởng Công Thương: Chúng tôi cũng thấy tiếc khi chưa giảm được giá điện

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận thực tế hiện nay "giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm" và cam kết đến năm 2024 giá điện có tăng, có giảm.