Dự án đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, trong đó 70 tỷ đồng ngân sách địa phương và 130 tỷ đồng ngân sách Trung ương.

Công trình đi qua 3 xã của huyện Lắk gồm: Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết. Thời gian thi công từ ngày 1/10/2020 đến 31/12/2023.

Một đoạn công trình đã được đắp

 Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm là đơn vị làm chủ đầu tư dự án này.

Theo tìm hiểu, tổng khối lượng đất đắp của dự án rơi vào khoảng 159 nghìn m3. Đến thời điểm này, các nhà thầu mới chỉ thi công và đắp được khoảng 39 nghìn m3, còn thiếu gần 120 nghìn m3. 

Do không có đất đắp nên nhiều nhà thầu đã đưa máy móc rời khỏi công trình, trong khi đó thời gian thi công chỉ còn khoảng 10 tháng. Dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Trước đó, trong quá trình khảo sát, thiết kế, chủ đầu tư đã tổ chức đánh giá trữ lượng, chất lượng của 8 mỏ vật liệu (trong đó sử dụng 2 mỏ và 6 mỏ dự phòng). 

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Lắk chưa có mỏ đất san lấp được cấp phép khai thác. Khi triển khai thi công, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, chủ đầu tư đã thống nhất sử dụng mỏ số 2 và mỏ 6. 

Tuy nhiên, các mỏ đất của dự án đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất không nằm trong quy hoạch khoáng sản được phê duyệt của UBND tỉnh Đắk Lắk. 

Do chưa đủ cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác nên dự án đê ngăn lũ không có vật liệu để đắp. Thiếu vật liệu đất đắp buộc nhà thầu phải rút máy móc, thiết bị về từ tháng 6/2022. 

Ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn, một trong những liên danh các nhà thầu cho biết, đơn vị đảm nhận thi công 8km bờ đê, hiện nay mới triển khai đắp được 3km, còn lại 5km không có đất đắp. Đơn vị buộc phải tạm dừng thi công, kéo máy móc rút về. 

Cùng quan điểm với ông Hải, ông Nguyễn Hữu Xưởng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngũ Hành Sơn cho hay, một số vị trí mặt bằng chưa được bàn giao, cộng thêm vấn đề thiếu đất đắp mặt đê nên đơn vị buộc phải rút hết máy móc, thiết bị về từ giữa năm 2022.

Trước thực trạng trên, phía chủ đầu tư đã kiến nghị với UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép sử dụng kết quả khảo sát, thăm dò mỏ vật liệu dự kiến sử dụng phục vụ cho dự án để làm thủ tục cấp phép khai thác đất phục vụ dự án nhưng chưa có kết quả.

Việc thiếu đất đắp ở Dự án đê bao ngăn lũ nói trên không chỉ làm cho dự án này có khả năng bị chậm tiến độ, mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của người dân khi mùa lũ cận kề.