Từ đầu năm đến nay, giá gà công nghiệp (gà lông trắng) xuất chuồng thường xuyên ở mức dưới giá thành khiến người chăn nuôi thua lỗ. Ngoài nguyên nhân tiêu thụ gặp khó do Covid-19 còn có lý do cũ là phải cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu giá rẻ.
Trong khi các nước bảo vệ sản xuất trong nước rất tốt, như tôm, cá tra-basa Việt Nam xuất khẩu thường xuyên bị cáo buộc, thậm chí phải đóng thuế chống bán phá giá thì các trang trại chăn nuôi gà công nghiệp Việt Nam chỉ biết "chịu trận".
Bảng giá thịt gà nhập khẩu bán theo thùng tại một cửa hàng ở quận 8 - TP HCM. Trong đó, có những mặt hàng đùi gà giá xoay quanh 20.000 đồng/kg |
Trao đổi với phóng viên, ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp (Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương), cho hay đã theo đuổi vụ việc từ năm 2014, khi Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ lên tiếng.
"Thông qua số liệu nhập khẩu, thông tin thu thập được của Thương vụ Việt Nam tại các nước thì dấu hiệu thịt gà nhập khẩu bán phá giá rất rõ ràng, nhất là mặt hàng đùi gà Mỹ, Brasil và gà dai Hàn Quốc. Vấn đề mấu chốt khiến vụ việc đến nay chưa có tiến triển là do doanh nghiệp (DN) đại diện ngành hàng bị thiệt hại không hợp tác cung cấp số liệu cho cơ quan chức năng. Chúng tôi đã nhiều lần đến làm việc cùng Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ, hướng dẫn các DN làm hồ sơ (lần gần nhất là năm 2019) nhưng đến nay họ vẫn chưa cung cấp thông tin. Không có số liệu để đánh giá thiệt hại cụ thể, Bộ Công Thương không thể chủ động khởi xướng điều tra và áp thuế tự vệ lên hàng nhập khẩu vì như vậy sẽ vi phạm các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)" – ông Ninh giải thích.
Cánh gà nhập khẩu bán tại siêu thị |
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), thông tin thêm, với những ngành hàng sản xuất có độ phân tán quá cao, như lúa gạo, nếu gặp tình trạng tương tự, Bộ Công Thương có thể tự khởi xướng điều tra, yêu cầu các địa phương lấy mẫu để tự đánh giá thiệt hại.
"Tuy nhiên, với ngành hàng thịt gà lại không như vậy. Hiện 3 DN là: C.P (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Everest (Malaysia) đã chiếm 70% thị phần, những DN còn lại có thị phần rất nhỏ. Qua làm việc các "đại gia" trên cho biết vì công ty mẹ không đồng ý cung cấp thông tin nên họ đành chịu"- bà Giang chia sẻ.
Ngày 23-8, trao đổi với phóng viên, chủ một trang trại nuôi gà ở Đồng Nai cho biết giá gà lông trắng tại trại đang ở mức 21.000 – 22.000 đồng/kg, từ đầu năm đến nay, giá xuất chuồng phần lớn đều dưới giá thành sản xuất.
"Thịt gà nhập khẩu về quá nhiều, có những đợt họ xả hàng, giá đùi tỏi, đùi gà góc tư chỉ xoay quanh 20.000 đồng/kg. Ở chợ còn phát sinh tình trạng người bán rã đông gà đông lạnh, trộn với hàng tươi để bán giá rẻ, gà trong nước không thể cạnh tranh nổi" – chủ trang trại này than thở.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện thịt gà đông lạnh bán nguyên thùng có nhiều loại giá dưới 25.000 đồng/kg, trong đó rẻ nhất là đùi gà Defam giá chỉ 18.000 đồng/kg.
Nhập khẩu tăng phi mã Số liệu được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố đến giữa tháng 4-2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 78.376 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019 đẩy thịt gà công nghiệp vào cơn khủng hoảng thừa trầm trọng. Nguồn cung thịt gia cầm cho Việt Nam chủ yếu đến từ: Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Hà Lan và Nga. |
(Theo NLĐ)