Hôm 22/4, nhà sản xuất thực phẩm chay Beyond Meat bắt đầu giới thiệu các món ăn chay giả thịt tại hàng nghìn quán cà phê Starbucks ở Trung Quốc.

Cũng trong tuần này, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC tuyên bố rằng họ sẽ lần đầu tiên cho ra mắt các món “gà rán” làm từ thực vật tại Trung Quốc và dự kiến thử nghiệm tại các tỉnh thành lớn như Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

{keywords}
Những món ăn chay giả mặn xuất hiện trên thực đơn tại các nhà hàng Trung Quốc. Ảnh: BBC

Các nhà hàng cho rằng, sau khi Trung Quốc phục hồi từ đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều khách hàng bắt đầu lối sống lành mạnh hơn để giữ gìn sức khỏe. Chính vì vậy, việc phát triển thực đơn phong phú sẽ giúp cho nhà hàng thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Beyond Meat - công ty có trụ sở chính tại Mỹ cho biết họ đã “thấy được nhu cầu ngày càng tăng vọt đối với các món ăn chay giả thịt có nguồn gốc thực vật ở Trung Quốc” và đang tăng cường cung cấp ba bữa ăn ở khắp 3.300 quán Starbucks tại thị trường Trung Quốc mỗi ngày.

Sau khi buộc phải đóng cửa vào hồi cuối tháng 1, cho đến nay hầu hết các cơ sở của chuỗi cà phê Starbucks đã hoạt động trở lại.

Các thương hiệu nhà hàng từ phương Tây đang hy vọng họ sẽ khai thác được nhu cầu sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế thịt ngày càng tăng của khách hàng tại Trung Quốc theo xu hướng toàn cầu.

Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đang phải đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung thịt, đặc biệt là thịt lợn, sau khi dịch tả lợn châu Phi đã khiến 50% số lợn của Trung Quốc bị tiêu hủy vào năm 2018.

Hiện nay, Trung Quốc đang phải chật vật để nhập khẩu thịt lợn khi đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà máy chế biến trên toàn thế giới tê liệt và việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn do lệnh phong tỏa.

{keywords}
Một quán ăn nhanh KFC tại Trung Quốc hoạt động trở lại sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Telegraph

Người đại diện của nhà sản xuất đồ chay Beyond Meat cho biết: “Công ty chúng tôi đánh giá châu Á là khu vực quan trọng cho chiến lược tăng trưởng dài hạn và mục tiêu của Beyond Meat là chiếm được ưu thế ở thị trường châu Á trong năm 2020”. Sản phẩm của hãng này hiện đang được phân phối tại một số quốc gia trên khắp châu Á bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Cùng với Starbucks, KFC và Beyond Meat đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thuyết phục người tiêu dùng Trung Quốc mua các sản phẩm thịt giả làm từ thực vật của mình.

Shaun Rein, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu thị trường Trung Quốc chia sẻ: “Trên thực tế, hiện nay, mức độ tiêu thụ các sản phẩm protein không có thịt, tốt cho sức khỏe ở Trung Quốc không cao như ở Mỹ. Nguyên nhân là do khác với các nước phương Tây, người Trung Quốc sẵn đã coi rau như một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ.”

Tại các nước châu Âu, các công ty thức ăn nhanh, từ Greggs cho đến McDonald, Burger King và KFC, từ nhiều năm trước đây đã tung ra các món ăn thuần chay.

(Theo BBC/ Dân trí)