-Thoả thuận giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc + Đức) ký ngày 24/11 vừa qua được công luận thế giới đón nhận một cách lạc quan, nhưng với người Iran thì không phải hoàn toàn như vậy.

“Thắng lợi” của chính giới và công chúng

Ngày 24/11, ngay sau khi đạt được thoả thuận, Tổng thống Hassan Rouhani đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước để chúc mừng thắng lợi và hứa sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận “trong tương lai gần”. Rouhani gửi thư cám ơn Đại giáo chủ Ayiatullah Ali Khamaneii đã ủng hộ chính phủ và phái đoàn đàm phán đến thành công.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trò chuyện cùng người đồng nhiệm Pháp Laurent Fabius (phải) cạnh người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trong một buổi lễ tại Liên Hợp Quốc ở Geneva ngày 24/11. (Ảnh: Reuters)

Trong thư này, Rouhani khẳng định thoả thuận là “bước đầu tiên trên con đường tiến tới đạt được các quyền của Iran về hoạt động nguyên tử và quyền làm giàu uranium”. Rouhani coi việc ký thoả thuận này là chứng tỏ phương Tây đã công nhận các quyền ấy của Iran.

Trong thư phúc đáp, Khamaneii tuyên bố đồng ý với những kết quả của đàm phán. Đại giáo chủ chỉ đạo: “Cần phải cám ơn phái đoàn đàm phán về thành quả này. Thành quả này có được là nhờ sự bảo trợ của Allah, nhờ thành tâm cầu nguyện và nhờ sự ủng hộ của nhân dân”. Lãnh tụ Iran coi thoả thuận này là “một thành công”, rằng “thông qua các cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp này, nhân dân cách mạng của chúng ta đã có thể xác định được quyền của chúng ta trong hoạt động nguyên tử”.

Các chính khách từ nhiều khuynh hướng khác nhau cũng hồ hởi lên tiếng ủng hộ thành quả này.

Dân chúng thủ đô Teheran bày tỏ lạc quan cho rằng việc đạt được thoả thuận sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế vả cải thiện đời sống. Đông đảo dân chúng đã thức suốt đêm 23 cho đến sáng 24/11 để theo dõi những giờ phút chót của cuộc đàm phán dẫn đến thành đạo thoả thuận. Sáng 24/11, hàng trăm người đã tụ tập tại sân bay Teheran để chào đón ngoại trưởng Hoammed Jawad Zareef- trưởng đoàn đàm phán Iran từ Geneve trở về.

Đồng Riel Iran lập tức tăng giá so với USD. (Trước khi Rouhani nhậm chức, 33.000 Riel ăn 1 USD. Nay khoảng 30.000 Riel/1USD). Giá vàng thì tụt dốc.

Băn khoăn và bất bình

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, ngay khi có tin về thoả thuận, sáng 24/11, một số nghị sĩ cứng rắn kịch liệt phản đối. Số này đòi Tổng thống “phải trình diện” trước quốc hội để giải thích theo điều 125 hiến pháp, và đòi phải cho quốc hội phê chuẩn thoả thuận mà chính phủ đã ký. (nhưng chính phủ cho rằng đây chỉ là “thoả thuận”, không phải là “hiệp ước” nên không cần sự phê chuẩn của quốc hội).

TTX Fars (cơ quan thông tin rất mạnh tại Iran, được coi là thuộc ảnh hưởng của lực lượng Vệ binh cách mạng do chính Khamaneii trực tiếp lãnh đạo) lại bày tỏ quan điểm hoài nghi. TTX này nói chính phủ Iran coi thoả thuận là đã khiến các nước lớn phải công nhận quyền làm giàu uranium của Iran, nhưng ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì đã phủ nhận điều này và khẳng định rằng không sự công nhận nào đối với “quyền của Iran” trong việc làm giàu uranium.

TTX Fars còn nêu ra những điểm tiêu cực trong thoả thuận để cho rằng Iran đã phải lùi bước trước áp lực quốc tế. Fars cho rằng thoả thuận đã “vượt ra ngoài khuôn khổ của hiệp ước cấm phổ biến vũ khí nguyên tử khi quốc tế hoá quyền của Iran làm giàu uranium. Điều này có thế làm mai một các quyền hợp pháp của Iran”.

Fars cho rằng thoả thuận vừa ký đã triệt tiêu khả năng mặc cả của Iran trong các cuộc đàm phán tiếp theo, bởi các nhà đàm phán Iran đã chấp nhận từ bỏ tàng trữ uranium đã làm giàu mức độ 20%. Fars nêu rõ cả Nga và Trung Quốc cũng tham gia trừng phạt Iran khi 2 nước này ký vào thoả thuận.

Trang mạng “Raja News” gần gũi với giáo chủ cứng rắn Ayiatullah Misbah Yazdi thì đặt câu hỏi Iran đã đạt được những gì khi đánh đổi bằng những đặc ân mà Iran dành cho phương Tây? Rồi tự trả lời: Iran đã cho đi quá nhiều mà chỉ thu lại ít ỏi. Trang mạng này kêu gọi đưa thoả thuận đã ký ra quốc hội để bày tỏ ý kiến.

Các trang mạng gần gũi với cựu tổng thống Ahmedi Najad đều công kích thoả thuận này. Trang “Nakat Press” cho rằng thoả thuận này tương tự như hiệp ước mà Iran đã ký với nước Nga Sa hoàng hồi thế kỷ XIX khiến Iran mất quyền kiểm soát đối với vùng lãnh thổ ở Bắc Ajerbaizan, Armenia và Kavkaz. Khi ấy, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ba Tư đã coi hiệp ước này là “một vết nhơ đóng trên trán Iran”. Nakat Press coi thoả thuận vừa ký là “một viên kẹo đắng ngắt” và hoài nghi về “thắng lợi” mà các giới chức Iran hiện nay đang tung hô.

Nghị sĩ Hussein Ali Dalijani (thuộc khối Hồi giáo nguyên gốc trong quốc hội) khẳng định rằng phía Iran “chẳng đạt được chút đỉnh nào” trong thoả thuận này. Phương tây mới là bên chiến thắng.

Lướt nhanh các trang mạng gần gũi với Khamaneii thì thấy đa số tỏ vẻ không hài lòng và cố tìm cách gián tiếp bày tỏ sự chối bỏ đối với thoả thuận để tránh làm mếch lòng Đại giáo chủ.

Tờ Kihan- nhật báo lớn thuộc sự điều hành của phe giáo quyền do Khamaneii đứng đầu- bình luận rằng “Người Mỹ đã “lật ngược” lại thoả thuận chỉ sau khi ký một giờ, bởi John Kerry lập luận rằng điều 4 của hiệp ước cấm phổ biến vũ khí nguyên tử không đề cập đến quyền của bất cứ thành viên nào (tham gia hiệp ước này) được sở hữu công nghệ làm giàu uranium”. Báo này kết luận “không thể tin được nước Mỹ bởi vì các nhà ngoại giao và giới chức nước này thường ẩn chứa những mưu mô phía sau những nụ cười lừa gạt”.

Phe đối lập Iran thì coi việc ký thoả thuận này là “liều thuốc độc thứ hai” mà nhà cầm quyền Iran phải uống. Họ coi việc cố giáo chủ Khomeini phải ký thoả thuận ngưng chiến với chính quyền Saddam Hussein hồi năm 1988 là “liều thuốc độc thứ nhất”, bởi chính Khomeini khi ấy đã nói: “Tôi ký thoả thuận này tức là tôi đang uống một liều thuốc độc”.

Tổ chức đối lập lưu vong “Hội đồng quốc gia cách mạng Iran” tỏ ra thận trọng về thoả thuận này. Tuyên bố của bà Marem Rajwi- chủ tịch tổ chức này khẳng định việc chính quyền Iran phải nhượng bộ để ký đực thoả thuận này là kết quả của trừng phạt quốc tế. Bà này yêu cầu Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cần phải nhanh chóng thanh sát ngay các cơ sở nguyên tử của Iran, bởi vì chính phủ này “sẽ không bao giờ mặc nhiên báo cáo cho IAEA” và sẽ phản ứng chống lại ngay khi bị phát hiện những cơ sở nguyên tử bí mật được che giấu.

  • Nguyễn Ngọc Hùng

Tài liệu tham khảo:

http://aawsat.com/details.asp?section=4&article=751438&issueno=12781

http://www.alarabiya.net/ar/iran/2013/11/25/صحیفتا-خامنئي-ترحب-وتهاجم-الإتفاق-النووي -.html