- Báo cáo PAPI không đơn giản chỉ là các con số thống kê đơn thuần, chỉ số này tăng, chỉ số kia giảm, mà tổng các con số tăng giảm đó là chỉ số đo lòng dân.
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam vừa được công bố hôm 4/4. Lật giở từng trang chỉ thấy các con số thông kê tăng giảm đơn thuần, nhưng tổng các con số ấy là chỉ số đo sự hài lòng của người dân với các cơ quan công quyền.
Từ khi thí điểm tại 3 tỉnh năm 2009 có hơn 500 người dân được hỏi thì đến năm 2017 tại 63 tỉnh đã có hơn 14 ngàn người, với sự tài trợ của chính phủ Thụy Sỹ, nay là Australia và Ireland, do UNDP và một số bên hợp tác nghiên cứu, 7 báo cáo PAPI thường niên đã thu thập ý kiến của 103.059 lượt người thông qua phỏng vấn trực tiếp với người dân được chọn ngẫu nhiên theo quy trình lấy mẫu khoa học, nghiêm ngặt và khách quan.
Anh Đặng Hoàng Giang, người nổi tiếng với những bài viết phản biện cùng hai cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can và Thiện, ác và Smart phone nói vui, khi tổng quan về báo cáo, lần thứ 1 (2011) chỉ có 20 người tham dự nghe PAPI nhưng hôm nay trong hội trường Grand Ball Room có 500 khách từ các tỉnh, trung ương, và quốc tế.
PAPI là báo cáo khoa học nhằm đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân thông qua nội dung thăm dò chính gồm 6 tiêu chí: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, (2) Công khai, minh bạch; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”; (5) Thủ tục hành chính công; và (6) Cung ứng dịch vụ công.
Sáu tiêu chí này được thu thập dựa trên chọn mẫu khoa học sẽ tạo ra bức tranh tổng thể về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công từ góc nhìn và trải nghiệm của người dân. Suy cho cùng đó là lòng dân được trải qua những con số.
Các chỉ số PAPI cũng hy vọng tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương trong quá trình hướng tới chính quyền “kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân”. Nếu biết lòng dân ra sao thì sẽ phục vụ tốt hơn. Điều này chỉ có được thông qua các thăm dò, điều tra xã hội học như kiểu PAPI đang làm.
PAPI đưa ra các chỉ số cho từng tỉnh ở từng nội dung. Ví dụ, 5 tỉnh (Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Thái Nguyên) đạt điểm cao nhất trong nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt từ 6 đến 6,4 điểm trên thang điểm 1-10. Tốt nhất nhưng cũng chỉ ở mức trên trung bình. Chưa kể các tỉnh có chỉ số kém nhất rơi vào điểm dưới trung bình.
Về tổng thể các chỉ số PAPI cho thấy năm 2017 tốt hơn 2016. Bảo hiểm y tế bao phủ rộng hơn, khoảng cách về giới trong sở hữu quyền sử dụng đất có xu hướng thu hẹp do các bà vợ được có tên trong sổ đỏ nhiều hơn. Tỷ lệ nam giới đứng tên trong sổ đỏ năm 2016 là 18% thì năm 2017 chỉ còn 9%, sự tiến bộ vượt bậc. Tỷ lệ người đã đệ đơn khiếu nại thì có 53% hài lòng với kết quả phúc đáp của chính quyền năm 2017 so với 45% trong năm 2016.
Tuy nhiên, các chỉ số PAPI cho thấy, người dân bi quan về kinh tế gia đình, lo ngại về đói nghèo, ô nhiễm môi trường, hiểu biết về Luật Tiếp cận thông tin và sử dụng cổng thông tin điện tử còn thấp dù Internet Việt Nam thuộc loại tốt nhất thế giới và facebook tràn ngập.
Một điểm nhấn so với năm 2016 như PAPI chỉ ra, người dân lạc quan hơn về kiểm soát tham nhũng dù thăm dò được thực hiện trước những vụ động trời như PVN và Ocean Bank đưa cả UVBCT ra tòa.
Nếu chỉ đọc báo cáo PAPI 2017 chỉ thấy các con số thống kê đơn thuần, chỉ số này tăng, chỉ số kia giảm, thì từng địa phương có điểm số thấp không vui. Nhưng tổng thể lại không địa phương nào giảm điểm đáng kể so với 2016, khoảng cách giữa tỉnh có điểm cao nhất và thấp nhất lại thu hẹp.
Nếu chỉ nghe các địa phương báo cáo thì khó biết được đúng sai vì các con số đó thường được “nhào nặn” cho đẹp. Tham khảo PAPI sẽ biết thêm các thông tin khác như, dân đồng ý về vấn đề đất đai, họ có được tham vấn về phát triển ở địa phương hay đánh giá thế nào về hành chính công, đó là một phần của lòng dân. Ví dụ, các chỉ tiêu cấu thành chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đều chỉ ra sự tích cực hơn so với 2016. Kết quả này là minh chứng rõ ràng, công cuộc chống tham nhũng đang được nhân dân ủng hộ như thế nào.
Thăm dò, điều tra xã hội học là một ngành khoa học cho phát triển, lấy những con số để chứng minh, dự báo. Mỗi công ty, mỗi địa phương, mỗi quốc gia muốn phát triển đều phải dựa vào số liệu khoa học để điều chỉnh các kế hoạch, các chiến lược phát triển cho các giai đoạn. Trong quản trị quốc gia cũng vậy, sẽ khó thuyết phục những người xung quanh nếu chỉ dùng lời nói đẹp. Không gì có thể phủ nhận, thời 4.0, các chỉ số kiểu PAPI là một trong những chứng thực rõ rành rành về hiệu quả và năng lực.
Hiệu Minh