CTCP Pymepharco (PME) vừa hoàn tất họp ĐHĐCĐ bất thường, trong đó nội dung chính là cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ của công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai.
Dự kiến việc tăng sở hữu của Stada thuộc Tập đoàn dược phẩm Stada Arzneimittel AG (Đức) sẽ hoàn tất vào năm 2020-2021.
Stada đã vào PME từ cách đây hơn một thập kỷ và sau đó đã trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn. Gần đây, cổ đông này nhận chuyển nhượng thêm gần 6 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 70%.
PME là tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên, thành lập cách đây hơn 30 năm - một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực với hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Đây là doanh nghiệp dược có quy mô vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán sau Dược Hậu Giang (DHG).
Trước đó, hồi cuối 2017 khi PME lên sàn, hãng dược phẩm Đức Stada sở hữu 49% cổ phần, ông Trương Viết Vũ sở hữu 13,2%, có gần 700 tỷ đồng (gần 30 triệu USD) và là một trong những người siêu giàu tại Việt Nam.
Với những bước chuyển vốn cho Stada, nhiều khả năng ông Trương Viết Vũ thu về cả nghìn tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp dược hút dòng vốn lớn từ các tập đoàn nước ngoài. Năm ngoái, Quỹ STIC Investments đến từ Hàn Quốc đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần công ty dược Nanogen với định giá cũng ngang ngửa Pymepharco.
Ông lớn nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam. |
Toàn bộ 8 nhà đầu tư nước ngoài tại Nanogen đều đến từ Hàn Quốc, trong số này có quỹ STIC Shariah Private Equity Fund III nắm 9,3% vốn cổ phần.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, công ty Nanogen sẽ phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Việt Nam.
Ông lớn Hàn Quốc SK Group hồi cuối tháng 5 cũng nhận chuyển nhượng 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm, với giá trị khoảng 670 tỷ đồng (gần 30 triệu USD).
Phần lớn số cổ phiếu trên được mua lại từ nhóm quỹ Dragon Capital với 11,3 triệu cổ phiếu, phần còn lại đến từ một số quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset...
Tại Imexpharm, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 49% cổ phần. Các cổ đông lớn khác gồm có nhóm VinaCapital (7%), KWE Beteiligungen AG (14,3%) và Tổng Công ty dược Việt Nam - Vinapharm (22,9%).
Hiện khá nhiều doanh nghiệp dược lớn đã mở room ngoại lên 49% qua đó mở đường cho doanh nghiệp ngoại nắm quyền chi phối như Taisho Pharmaceutical sở hữu 51% cổ phần Dược Hậu Giang, Abbott nắm giữ 51,7% cổ phần Domesco,...
Từ giữa 2019, Taisho của Nhật Bản đã chào mua thành công 20,6 triệu trong tổng số 28,3 triệu cổ phiếu Dược Hậu Giang. Theo đó, Taisho đã nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78%. Dược Hậu Giang như vậy chính thức trở thành công ty con của đơn vị này.
Hầu hết các dự báo gần đây đều cho thấy, ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm, thậm chí trong dài hạn. Việt Nam vẫn là một quốc gia có dân số trẻ, đang phát triển. Trong khi đó, khí hậu nhiệt đới gió mùa, ô nhiễm môi trường nhiều,... khiến nhiều loại bệnh tật và xu hướng gia tăng. Chi phí thuốc bình quân/người tại Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 20-50% so với các nước trong khu vực, dư địa cho tăng trưởng ngành dược còn nhiều.
Quy mô ngành dược được đánh giá là rất lớn với giá trị khoảng 5 tỷ USD năm và có thể gia tăng do thu nhập của người dân được cải thiện, nhu cầu của người dân gần đây gia tăng liên tục.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 10/12, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm và vượt ngưỡng 1.040 điểm.
Theo MBS, thị trường vẫn duy trì sự đồng thuận giữa giá và dòng tiền. Mức độ lan tỏa ở các trụ rất chủ động giúp chỉ số VN-Index bứt phá qua ngưỡng cản mạnh 1.030 điểm một cách thuyết phục. Dẫn dắt đà tăng của thị trường là nhóm ngân hàng, sự trỗi dậy của nhóm này là chất xúc tác mạnh nhất giúp thị trường vượt cản, ngoài ra còn có sự cộng hưởng từ nhóm chứng khoán và thực phẩm, công nghệ. Với quán tính tăng như hiện nay, mốc cản gần 1.040-1.050 điểm hoàn toàn có thể bị chinh phục, tuy vậy những nhịp rung lắc để kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ sẽ xảy ra trước khi thị trường đến các mức cao mới với mục tiêu ngắn hạn xoay quanh khu vực 1.070-1.080 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/12, VN-Index tăng 9,87 điểm lên 1.039,13 điểm; HNX-Index tăng 2,14 điểm lên 158,74 điểm. Upcom-Index tăng 0,32 điểm lên 69,26 điểm. Thanh khoản đạt 13,1 nghìn tỷ đồng.
V. Hà