Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (Covid-19) gây ra, để bảo vệ bản thân và gia đình, nhiều người đã chuyển đổi thói quen từ mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng… sang mua sắm trực tuyến, thanh toán online. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại, mua sắm trực tuyến cũng đang đặt người tiêu dùng vào nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng nếu thiếu cận trọng.
Mua sắm trực tuyến… lên ngôi
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên từ đầu tháng 2 đến nay, hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại… tại Hà Nội đều rơi vào tình trạng vắng khách. Nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa tạm ngừng kinh doanh do hoạt động mua bán đình trệ. Chị Trần Thu Hà chủ một cửa hàng ăn tại Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mặc dù kinh doanh nhỏ lẻ nhưng từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và xuất hiện ở Việt Nam, cửa hàng của chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, doanh thu giảm xuống rõ rệt do lượng người tới ăn uống khá ít.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đã chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến. |
Để “cứu vãn” tình hình, chị đã kết hợp giữa bán trực tiếp và bán hàng online. Đầu tiên chị Hà tiến hành lập tài khản Face book và Zalo cho cửa hàng, sau đó đăng các món ăn lên các trang này. Thật bất ngờ, danh thu của cửa hàng tăng lên rõ rệt, trung bình mỗi ngày chị nhận tới 50 – 60 đơn hàng.
Là người buôn bán bánh kẹo, đồ ăn vặt nhỏ lẻ tại nhà, chị Nguyễn Ngọc Hoa (Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân) cho biết: “Từ 3 tuần nay, tôi nhận các đơn đặt hàng qua mạng online khá nhiều, trung bình 10-20 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi có dịch”. Nắm bắt tâm lý khách hàng hạn chế ra ngoài mua sắm, và để hỗ trợ cho khách mua hàng, chị Hoa cho biết đã nhập thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đồng thời không tăng giá và hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần chi phí vận chuyển cho khách (tùy vào khoảng cách).
Tương tự, để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhiều siêu thị, cửa hàng lớn cũng tăng cường các hình thức tiếp thị, quảng cáo thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo). Đại diện siêu thị BigC - Trần Duy Hưng cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, đơn vị đã tăng cường hình thức mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi ở nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hằng ngày khi có nhu cầu. Siêu thị Co.opmart Hà Đông cũng đẩy mạnh hoạt động mua sắm online. Được biết, lượng khách mua hàng online trong 3 tuần qua tăng cao, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Siêu thị phải cử nhân viên luôn túc trực đưa hàng lên trang mua sắm online và phản hồi kịp thời cho khách hàng, đồng thời hỗ trợ vận chuyển cho khách hàng…
Không chỉ các cửa hàng, siêu thị, để thu hút người tiêu dùng tăng mua sắm qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… cũng đã hợp tác cùng các đối tác đưa ra nhiều khuyến mại lớn, giảm giá lên đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020.
Cẩn thận bị lợi dụng
Mới đây, phòng chống dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch online thay vì giao dịch bằng tiền mặt. Tuy nhiên, dù rất tiện ích song mua hàng online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không cẩn trọng người mua rất dễ “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo. Lợi dụng bản chất của việc mua hàng online, người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình thức và chất lượng của sản phẩm nên có không ít đối tượng đã tráo đổi sản phẩm khi giao hàng.
Gần đây, nhiều tài khoản Facebook cá nhân đã đồng loạt chia sẻ các thông tin khi rơi vào chiêu trò lừa mua khẩu trang y tế của fanpage Facebook tên: “Khẩu trang 3M VogMark Việt Nam”. Cụ thể, trang Facebook trên rao bán 30 cái khẩu trang loại 3M 9001v với giá 360.000 đồng. Lấy cớ khẩu trang y tế đang cháy hàng, bên bán yêu cầu người mua phải chuyển tiền trước vào tài khoản của người bán, tài khoản ngân hàng được mở tại Hà Nội.
Sau khi nhận hàng, nhiều người mua mới tá hỏa khi hàng được giao không phải là khẩu trang 3M 9001v mà lại là những chiếc lá khô. Nhiều trường hợp khác, người mua bỏ ra 360.000 đồng mua một hộp khẩu trang nhưng chỉ nhận được những chiếc khẩu trang vải với giá vài chục nghìn đồng.
Nghiêm trọng hơn, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự hoang mang của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu trò bán khẩu trang y tế. Điển hình như vụ việc xảy ra tại Nghệ An. Ngày 5/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ Hồ Thị Thùy (24 tuổi) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cơ quan điều tra, Thúy khai nhận thấy nhu cầu mua khẩu trang của của người dân thời điểm này rất lớn nên đã lập Facebook ảo rồi đăng tải thông tin bán khẩu trang y tế số lượng lớn với giá rẻ. Nhiều người tin tưởng đã liên hệ để chuyển khoản tiền cọc mua hàng. Sau khi nhận tiền của các nạn nhân, Thúy chặn Facebook, ngắt liên lạc. Bằng chiêu trò này, Thúy đã chiếm đoạt của 10 người với số tiền hơn 60 triệu đồng.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay có rất nhiều trang web, trang mạng xã hội bán hàng online, tuy nhiên các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm soát được các trang thương mại điện tử có đăng ký. Để tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: Địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...
Ngoài ra, khi mua hàng online, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính, đánh cắp tài khoản...
Trong trường hợp người tiêu dùng gặp các phiền toái về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến cần phản ảnh đến các cơ quan chức năng như: Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng ở các tỉnh, thành để được hỗ trợ, giải quyết.
Đưa ra lời khuyên để người tiêu dùng có thể bảo vệ bản thân trước ma trận mua sắm hàng online, luật sư Bùi Thế Vinh – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, chia sẻ: Để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, trước khi mua hàng online, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm như: Nguồn gốc xuất xứ, tính năng...
Khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ hàng hóa rồi mới thanh toán tiền. Khi mua, nhận hàng từ các trang bán hàng trực tuyến, người mua cần giữ lại các chứng từ liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp. “Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật”- luật sư Vinh chia sẻ.
Theo Lao động Thủ đô