Triển khai xúc tiến du lịch nội địa
Gần 600 doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã cùng tham dự Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề: “Du lịch nội địa-Động lực khôi phục Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” vừa diễn ra tại Ninh Bình hôm nay, 15/4.
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động cũng như chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam thì phát triển du lịch nội địa luôn là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành.
“Song, do chưa được xem là chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa được định hình rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa,” ông Bình nói.
Để khắc phục khó khăn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp phát triển kinh doanh du lịch nội địa có hiệu quả hơn, đưa du lịch nội địa phát triển ngang hàng với du lịch “inbound” và “outbound,” diễn đàn đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính: Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” trước mắt và lâu dài, các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa; Các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch.
“Xoay trục” ngành du lịch
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn thường lấy con số thị trường quốc tế làm thước đo cho sự phát triển. Quả thực, nếu dựa trên mức chi tiêu, một vị khách quốc tế chi tiêu lớn hơn mức chi tiêu của một người Việt. Phải chăng, từ sự thực đó, chúng ta đã chú ý nhiều đến thị trường khách quốc tế mà lãng quên, chưa quan tâm đúng mức đến thị trường du lịch nội địa.
“Như vậy, chúng ta đã có định hướng hoạt động, nhưng ai làm và cách làm như thế nào? Khi COVID-19 bùng phát, chúng ta mới giật mình nhìn lại và nhận thấy cả sản xuất, kinh doanh đến quản trị, quản lý ngành du lịch chưa thực sự đi bằng ‘hai chân'," Bộ trưởng nói.Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Từ cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thiết kế khung về du lịch nội địa, đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ chiến lược phát triển du lịch nội địa.
Tân Bộ trưởng nhấn mạnh: “Vì vậy, đây chính là thời điểm để chúng ta nhìn nhận lại, tìm cách tiếp cận mới để phát triển thị trường nội địa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều thông điệp, nhiều khuyến cáo và mong các doanh nghiệp chủ động phương án, xoay trục từ thị trường khách quốc tế sang thị trường nội địa. Chúng ta xác định du lịch nội địa sẽ là động lực để làm nóng lại thị trường và bù đắp sự thiếu hụt về doanh thu, doanh số, lợi nhuận và quan trọng hơn là phải hiểu sâu sắc hơn về thị trường tiềm năng hơn 100 triệu dân trong nước.”
Theo số liệu thống kê, quý 1/2021, khách du lịch chỉ đạt 16,5 triệu lượt, trong đó 8,5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu du lịch chỉ đạt 72 nghìn tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đặt ra cho toàn ngành phải lựa chọn giải pháp khả thi, “bắt bệnh” cho đúng để nhanh chóng làm ấm lại thị trường nội địa.
Văn Hùng