Những thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Tờ trình đề nghị Dự án Luật phòng bệnh gửi Chính phủ. Bộ Y tế dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2. Tuy nhiên, số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật. 

Gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 73,66% số ca mắc và 78,6% số ca tử vong. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan dinh dưỡng.

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: BVCC.

 Cục Y tế dự phòng cho biết, khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị là 400g mỗi ngày. Tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu hoặc trong khi ăn là 78,2%. Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.

Trong khi đó mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số (22,2%) thiếu hoạt động thể lực, không đạt mức theo khuyến nghị của WHO. Gần 1/5 dân số (19,5%) bị thừa cân (BMI > 25 kg/m2), trong đó có 2,1% béo phì (BMI > 30 kg/m2). Gần 2/3 nam giới (64,2%), 1/10 nữ giới (9,8%) hiện có uống rượu, bia. 20,8% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hút thuốc, bao gồm 41,1% nam giới và 0,6% nữ giới. Khoảng 1/3 dân số (37,3%) từng tiếp xúc với khói thuốc. 

Khoảng 15,3% dân số từ 40-69 tuổi có nguy cơ cao bị các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nhưng chỉ 40,8% trong số những người có nguy cơ cao này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi. Tuy nhiên, sang đến năm 2021, tuổi thọ trung bình đã giảm nhẹ xuống còn 73,6 tuổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.