Theo công văn khẩn gửi đi, Bộ NN-PTNT quyết định thành lập Đoàn công tác đến các cơ sở nắm bắt tình hình phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm cũng như dịch bệnh trên lớn và việc tái đàn lợn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ làm trưởng đoàn công tác, cùng đi là một số thứ trưởng, lãnh đạo văn phòng bộ và một số cơ quan chức năng. Đoàn sẽ đến làm việc trực tiếp với Công ty CP Tập đoàn Dabaco, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam vào sáng 16/2.
Trước đó, ngày 13/2, tại Hội nghị Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, đại diện Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 đã xuất hiện tại 5 tỉnh thành ở nước ta (Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An, Quảng Ninh), buộc tiêu hủy khoảng 4 vạn con gia cầm. Trong đó có 9 ổ dịch chưa qua 21 ngày, 1 ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện tại Quảng Ninh nhưng đến nay đã qua 21 ngày.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong một buổi làm việc với doanh nghiệp chăn nuôi vào hồi cuối năm 2019 |
Theo đó, thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra. Hiện tổng đàn gia cầm ở nước ta lên tới 467 triệu con; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ thấp... Do đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Riêng về dịch tả lợn châu phi, sau 1 năm xảy ra dịch bệnh thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi khi phải tiêu huỷ tới gần 6 triệu con lợn, đến nay cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát. Có 96% số xã trên cả nước dịch đã qua 30 ngày, khoảng 30 tỉnh thành công bố hết dịch. Công tác tái đàn đang được đẩy mạnh, đặc biệt, đã có sản phẩm tái đàn cung cấp ra thị trường hiện nay.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ tháng 10/2019 chúng ta đã có chủ trương tái đàn, tốc độ tái đàn nhanh, bài bản, yêu cầu đăng ký để đảm bảo điều kiện. Đến nay, lợn tái đàn đã được xuất bán ra thị trường.
Còn về giá lợn, trong tuần tới Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm xuống mức giá 75.000 đồng/kg.
“Để đảm bảo thị trường bền vững, tôi khuyến nghị doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức”. Theo Bộ trưởng Cường, giá lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg là hợp lý. Các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành phải biết bảo vệ thị trường, sản xuất bền vững. Phải gặp người tiêu dùng ở một điểm đó là văn hóa. Giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa. Còn giữ giá thịt lợn quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như: tôm, trứng, cá.
C.Giang