Theo Reuters, vào ngày 3/3, Liên đoàn cảnh sát Haiti đã kêu gọi toàn bộ sĩ quan được trang bị vũ khí và phương tiện di chuyển cùng tham gia nỗ lực duy trì quyền kiểm soát tại nhà tù ở thủ đô Port-au-Prince, sau khi các băng nhóm tấn công cơ sở này vào đêm 2/3.
"Nếu các băng nhóm thành công, sẽ không có một ai ở thủ đô được an toàn. Chúng ta đang nói về hàng nghìn tù nhân vượt ngục", cảnh sát Haiti cho biết.
Trong khi đó, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Quốc gia Haiti tiết lộ rằng hiện chỉ còn khoảng 100 trong tổng số 3.800 tù nhân ở nhà tù Port-au-Prince vẫn còn lưu lại cơ sở này sau vụ tấn công. Bên cạnh đó, đã có ít nhất 12 người thiệt mạng trong vụ vượt ngục.
Tình trạng bạo động tại Haiti đã bắt đầu xảy ra từ thứ Năm tuần trước, khi các băng nhóm tuyên bố lật đổ chính quyền của Thủ tướng Ariel Henry.
"Chúng tôi yêu cầu cảnh sát và quân đội Haiti bắt giữ ông Henry. Người dân không phải kẻ thù của các bạn, các nhóm vũ trang cũng vậy", Jimmy Cherizier, thủ lĩnh xã hội đen khét tiếng Haiti nói.
Bạo loạn tại Haiti xảy ra khi ông Henry tới Kenya ngày 1/3 nhằm kêu gọi triển khai lực lượng cảnh sát quốc tế để trấn áp các băng nhóm địa phương. Hiện tại, vẫn chưa rõ tung tích của Thủ tướng Haiti, dù ông đã về nước sau chuyến thăm Kenya.
Sau vụ ám sát cố Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021, ông Henry đã nắm quyền lãnh đạo Haiti. Tuy vậy, quốc gia Caribe vẫn chìm sâu trong nghèo đói, bạo lực, thiên tai và mâu thuẫn chính trị.
>> Đọc tin thế giới nhanh nhất trên báo VietNamNet