Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Chủ đề thu hút sinh viên giỏi về đầu quân cho các hợp tác xã (HTX) được nhiều đại biểu bàn thảo.
Kết nối cung cầu nhân lực ngành nông nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Hội chợ nhằm thực hiện Nghị quyết số 37 của Ban Cán sự đảng Bộ NN&PTNT về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành NN&PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030”. Với sự tham gia của lãnh đạo 28 trường Cao đẳng và 4 trường Đại học trực thuộc Bộ NN&PTNT.
Đánh giá vấn đề thu hút được nhân lực giỏi, có trình độ cao cho ngành nông nghiệp nói chung, các HTX nói riêng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ngành.
Các trường thuộc Bộ NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực và áp dụng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên, nhất là việc thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các viện, trường với cơ quan, doanh nghiệp. Việc thiết lập mối quan hệ cung cầu nhân lực đã giúp định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT đã đề nghị các cơ sở đào tạo nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của việc hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp. Đây được xem là giải pháp quan trọng bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của mỗi trường trong thời kì 4.0.
“Từ năm 2016 đến nay đã có hơn 4.300 thỏa thuận hợp tác được ký kết về đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp với các trường của bộ. Trung bình mỗi trường, mỗi năm có khoảng 16 thỏa thuận hợp tác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm.
Nông nghiệp thời 4.0 phải khác xưa
Quay lại chủ đề thu hút sinh viên giỏi về đầu quân cho các HTX nông nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, tâm lý học đại học là bám trụ thành phố, làm việc văn phòng thay vì trở về quê làm nông là tâm lý phổ biến của các sinh viên. Chính vì tâm lý này, ngay cả các sinh viên nông nghiệp khi lên thành phố học tập cũng không muốn trở về quê để… làm nông.
Tuy nhiên, nông nghiệp thời 4.0 phải khác. Khác từ quy trình sản xuất, khác từ giống cây trồng vật nuôi, thị trường tiêu thụ cho tới trình độ quản lý. Làm nông nhưng không nhất thiết phải cầm cày, cầm cuốc như trước, tự động hóa là xu thế của nông nghiệp hiện đại. Khi nền nông nghiệp thay đổi mà tư suy của sinh viên còn chưa kịp thay đổi thì thật không ổn.
Quay lại với các hình thức liên kết đào tạo sinh viên ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sự liên kết giữa doanh nghiệp – nhà trường đang mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, các trường có thêm nguồn lực quan trọng trong đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, sở sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp phục vụ giảng dạy. Qua đó cũng giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.
“Đào tạo giờ đây không chỉ phục vụ cho các ngành nông nghiệp truyền thống mà cho cả các ngành phục vụ cho nông nghiệp theo hướng đa giá trị, kinh tế nông nghiệp. Sinh viên giỏi ra trường sẽ được các doanh nghiệp săn đón, trả lương hậu hĩnh chứ không còn phải lo hiếu việc làm. Cái chính là tâm lý của các sinh viên giỏi đã đủ dấn thân để đam mê với nông nghiệp, chấp nhận về lại với ruộng đồng hay không mà thôi”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận.
Thực tế, những năm gần đây các lao động sang làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay thậm chí là Trung Quốc đa phần chọn các đơn nông nghiệp. Những công việc gắn bó với người Việt từ muôn đời nay, nhưng sang nước bạn là làm quen với phương thức sản xuất mới, yêu cầu kĩ thuật cao hơn, chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu nên nhiều lao động sau khi về nước đã bắt đầu khỏi nghiệp với chính các công việc từng làm ở nước bạn.
Khác biệt duy nhất là thay vì sản xuất nông hộ thì lập ra các HTX, thay vì canh tác nhỏ lẻ thì làm theo hướng sản xuất hàng hóa. Thậm chí, chính các HTX nông nghiệp kiểu mới này đang là hình mẫu và là nơi thu hút được các sinh viên nông nghiệp giỏi về đầu quân.
Đồng thuận với thông tin này, ông Trần Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và việc làm, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm (tại Đà Nẵng) cho biết thêm, trường đang chú trọng đào tạo về công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ sinh học nông nghiệp… “Nhà trường đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm bằng việc liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp. Các sinh viên được đào tạo là theo đặt hàng của doanh nghiệp, các HTX. Nông nghiệp thời 4.0 đã khác xưa, cái chính là tư duy của các sinh viên đã thay đổi hay chưa thôi”, ông Trần Hoàng Dũng kết luận.