Các nhà nghiên cứu vừa tiết lộ những hình ảnh thử nghiệm một mẫu súng laser tối tân, được thiết kế để bắn chặn và làm chuyển hướng bất kỳ thiên thạch nào đe dọa Trái đất.
Mẫu súng laser mới có tên gọi đầy đủ là Hệ thống năng lượng dẫn đường chống thiên thạch và thám hiểm (DE-STAR). Các nhà khoa học đã hé lộ cách mẫu súng này hoạt động trong phòng thí nghiệm, dù ở quy mô nhỏ hơn.
Hệ thống DE-STAR là phát minh của nhà vật lý Philip Lubin thuộc Đại học California, Santa Barbara và giáo sư Gary B. Hughes đến từ Đại học Bách khoa California, San Luis Obispo (Mỹ). Để tái dựng khả năng bắn chặn và làm chệch hướng thiên thạch của vũ khí laser, nhà nghiên cứu Travis Brashears đã cùng các cộng sự thực hiện thử nghiệm mô phỏng các điều kiện trong không gian.
Sử dụng bazan - thành phần tương tự của các thiên thạch đã biết, các chuyên gia hướng súng laser vào mục tiêu bazan cho tới khi nó phát ra ánh sáng trắng nóng, quá trình được gọi là "ăn mòn laser". Điều này làm thay đổi khối lượng của vật thể và tạo ra một "động cơ tên lửa", dùng chính thiên thạch như chất nổ đẩy.
Trong không gian, sự thay đổi như trên đủ mạnh để làm thay đổi đường đi.
"Những gì xảy ra là một quá trình có tên gọi sự thăng hoa hoặc sự bay hơi, biến một chất rắn hoặc chất lỏng thành một chất khí. Chất khí đó tạo ra một đám mây hình lông chim, làm sản sinh một phản ứng hoặc sức ép đối nghịch và cân bằng . Và đó là những gì chúng tôi đã đo đạc", nhà nghiên cứu Brashears giải thích.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các nam châm để xoay tròn khối bazan mô phỏng thiên thạch và sau đó bắn các chùm laser cực mạnh ở hướng ngược lại để làm chậm sự xoay tròn đó. Kết quả thu được cho thấy, mẫu bazan đã giảm tốc, ngừng lại và thay đổi hướng, rồi lại xoay tròn trở lại, chứng tỏ việc làm chệch hướng thiên thạch đã thành công.
Theo giáo sư vật lý Lubin, việc thao túng tốc độ của một thiên thạch đang quay mang tới một khả năng quan trọng nữa trong không gian: khả năng thám hiểm, thâu tóm và khai thác các thiên thạch. Đây là điều Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dường như đang nhắm đến trong sứ mệnh điều hướng thiên thạch của họ.
Tuấn Anh (theo Daily Mail)