Sau giai đoạn triển khai thử nghiệm, ChildFund Việt Nam dự kiến sẽ ra mắt và mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng hỗ trợ bảo vệ trẻ em vào tháng 6/2019, nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em (Trong ảnh: dự án nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng mạng an toàn cho trẻ em -Swipe Safe đang được ChildFund triển khai tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình) |
Biên bản ghi nhớ xây dựng 2 hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác bảo vệ trẻ em đã được ChildFund Việt Nam và Microsoft Việt Nam ký kết hồi trung tuần tháng 7/2018. Theo biên bản này, Microsoft Việt Nam sẽ tài trợ kinh phí và phối hợp cùng ChildFund Việt Nam tiến hành các hoạt động nghiên cứu và xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo các trường hợp nghi vấn xâm hại trẻ em và ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Được biết, với thỏa thuận hợp tác này, Microsoft Việt Nam hỗ trợ ChildFund Việt Nam 5,4 tỉ đồng bao gồm chi phí phát triển hai ứng dụng, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và bản quyền phần mềm, nền tảng lưu trữ dữ liệu. Khoản tài trợ này được sử dụng để phát triển một hệ thống thông tin trên nền tảng web để người dùng có thể báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại nhằm bảo vệ trẻ em, tăng cường khả năng thích ứng của trẻ em và thanh thiếu niên tại cộng đồng cũng như phát triển một ứng dụng, giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.
Chia sẻ với ICTnews hôm nay, ngày 6/3/2019 về tiến độ xây dựng 2 hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác bảo vệ trẻ em mà ChildFund Việt Nam và Microsoft Việt Nam đang phối hợp thực hiện, đại diện ChildFund Việt Nam cho biết, dự kiến ứng dụng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các chức năng báo cáo dành cho người dân và thống kê báo cáo dành cho cán bộ Bảo vệ Trẻ em cùng hệ thống phần mềm quản lý thông tin báo cáo dành cho cán bộ Bảo vệ Trẻ em sẽ được đưa vào triển khai thử nghiệm trong tháng 4/2019.
“Hai hệ thống phần mềm này sẽ được chúng tôi triển khai thử nghiệm tại các địa bàn dự án của ChildFund và một số tổ chức phi chính phủ khác. Sau thời gian thử nghiệm, ChildFund Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu chính thức và triển khai mở rộng vào tháng 6/2019”, đại diện ChildFund Việt Nam cho hay.
Thời gian vừa qua, để triển khai xây dựng 2 phần mềm hỗ trợ này, đơn vị phát triển phần mềm đã trực tiếp làm việc, lấy thông tin từ Cục Trẻ em, ChildFund Việt Nam cũng như gặp gỡ, thu thập thông tin từ cộng đồng, trẻ em để lấy thông tin đầu vào.
Nói thêm về lý do ChildFund Việt Nam và Microsoft Việt Nam hợp tác triển khai 2 phần mềm hỗ trợ công tác bảo vệ trẻ em, bà Trần Thị Thu Hiền - Quản lý Quan hệ công chúng và Huy động nguồn lực, ChildFund Việt Nam, thực tế triển khai các dự án hỗ trợ trẻ em Việt Nam, tiêu biểu là 2 dự án “Tăng cường hiệu quả hệ thống các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương” “An toàn trên mạng – nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng mạng an toàn cho trẻ em” (còn gọi là dự án Swipe Safe) tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Hòa Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn, ChildFund nhận thấy, mặc dù đã triển khai được nhiều nội dung công việc về tập huấn, truyền thông, vận động chính sách song dự án vẫn thiếu vắng sự hỗ trợ của yếu tố công nghệ - vốn rất cần thiết.
“Chính vì vậy, chúng tôi đã trao đổi và đề xuất cần thiết phải có các phần mềm hỗ trợ. Trước mắt, chúng tôi đề xuất Microsoft hỗ trợ cho ChildFund 2 phần mềm: một là hệ thống thông tin (Information Hub) trên nền tảng web dành cho cán bộ Bảo vệ Trẻ em và 1 ứng dụng di động để người dân, các cán bộ làm công tác Bảo vệ Trẻ em cho phép người dùng có thể nhắn tin, chụp ảnh, báo cáo ontime ngay lập tức về các ca, vụ về xâm hại trẻ em tại địa bàn, thay vì phải đợi sau khi vụ việc xảy ra mới báo cáo bằng các biểu mẫu giấy như giai đoạn trước. Việc triển khai xây dựng các phần mềm hỗ trợ xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, nhu cầu của các tổ chức làm công tác Bảo vệ Trẻ em cũng như mong muốn hỗ trợ, hợp tác của doanh nghiệp công nghệ là Microsoft Việt Nam”, bà Hiền nói.
Một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa của việc có các hệ thống phần phần mềm hỗ trợ công tác bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, bà Trần Thị Thu Hiền cho biết, khi 2 phần mềm, ứng dụng này được đưa vào sử dụng trong thực tế, hoạt động của dự án Wipe Safe cũng như dự án tăng cường hiệu quả hệ thống các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương đang được ChildFund cùng các đối tác triển khai sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Sở dĩ như vậy, theo phân tích của bà Hiền, là do từ trước đến nay, để báo cáo 1 vụ xâm hại trẻ em cụ thể, dưới địa phương sẽ phải điền khoảng hơn 10 mẫu form, biểu bằng các bản cứng theo mẫu của Cục Trẻ em; nhưng tới đây khi phần mềm hỗ trợ được đưa vào sử dụng, trên phần mềm sẽ có sẵn form, biểu, người dân hoặc cán bộ dưới địa phương muốn thông tin, báo cáo có thể nhắn tin, chụp ảnh… rút ngắn thời gian, rất nhanh vụ việc sẽ được xử lý, giải quyết.
“Hai phần mềm này khá tham vọng ở một điểm là trong tương lai sẽ được gắn kết với Tổng đài 111 của Cục trẻ em ((Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em – PV). Hệ thống phần mềm quản lý thông tin báo cáo dành cho cán bộ Bảo vệ Trẻ em tương lai sẽ được bàn giao cho Cục Trẻ em quản lý, thông tin từ tuyến xã sẽ được cập nhật lên, có thể lên thẳng Tổng đài 111 của Cục Trẻ em, bỏ qua các nấc trung gian như trước nay, tiết kiệm nhiều thời gian. Còn với ứng dụng di động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tới đây nếu ứng dụng được kết nối với Tổng đài 111, sẽ làm đa dạng thêm kênh báo cáo, thông tin về các vụ việc xâm hại trẻ em, không chỉ mỗi gọi điện thoại tới tổng đài như trước đây”, đại diện ChildFund Việt Nam thông tin.
Đại diện ChildFund Việt Nam còn cho biết, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế khác như World Vision, Plan International, Save The Children… cũng rất mong muốn được tham gia vào việc thử nghiệm 2 phần mềm, ứng dụng hỗ trợ bảo vệ trẻ em đang được ChildFund Việt Nam phối hợp cùng Microsoft Việt Nam xây dựng.