LTS: Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết theo số liệu ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Nếu mức sinh tiếp tục giảm, theo dự báo của Liên Hợp Quốc, năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người.

Tuy nhiên, áp lực chi tiêu, đặc biệt ở các thành phố, khiến nhiều gia đình "nhụt chí" sinh thêm con thứ hai. Đã qua rồi cái thời "trời sinh voi, trời sinh cỏ". Nuôi con càng ngày càng trở nên vất vả hơn vì có rất nhiều khoản phải chi tiêu. Mời bạn đọc cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này với chúng tôi. 
Bài viết xin vui lòng gửi về hòm thư: bandoisong@vietnamnet.vn.

Thú thực, vợ chồng tôi chả dư giả gì. Thu nhập hàng tháng của cả hai dưới 20 triệu. Lúc trước, chưa có con cái, mẹ chồng lại sống một mình dưới quê, từng ấy tiền sinh hoạt ở thành phố là tạm ổn. Đấy là vợ chồng tôi không phải đi thuê nhà. Nhà này là bố mẹ tôi cho hai vợ chồng.  

me be con tren tay.jpg

Nhưng từ khi có con, chi tiêu tăng vọt. Nào là sữa, bột, thức ăn dặm… cái gì cũng tốn tiền. Thi thoảng con ốm, sốt, đưa đi viện thăm khám mà xót hết cả ruột. Sau được bạn bè mách, tôi mua bảo hiểm cho con nên cũng đỡ được chút. Hết thời gian nghỉ, tôi phải đi làm lại. Mẹ đẻ của tôi còn kinh doanh, nên không giúp tôi trông con được. Để bớt khoản tiền thuê ô sin, chồng tôi về quê thuyết phục mẹ chồng lên ở cùng.

Con được 2 tuổi, tôi cho đi nhà trẻ để bé có bạn chơi. Khổ cái là xung quanh khu này không có nhà trẻ nào giá rẻ, nên sau cùng, vợ chồng tôi quyết định chọn một cơ sở tầm trung, nhưng cũng tốn mỗi tháng 7 triệu. Mẹ chồng thấy các con vất vả, nên đưa cho tôi hết lương hưu của bà, khoảng 2 triệu. Mẹ đẻ thi thoảng sang thăm cũng cho tôi vài đồng để cải thiện bữa ăn.

Lúc trước, hễ cuối tuần, mẹ chồng tôi lại về quê để mua rau quả, thịt thà mang lên cho tiết kiệm. Quê chồng cách khoảng 30km, nhưng mẹ chồng lớn tuổi nên sau vài lần tôi đề nghị bà không đi lại như thế nữa. Nói dại, chẳng may bà có làm sao thì vừa khổ bà vừa khổ con. Tiết kiệm được vài đồng, thuốc men còn tốn kém hơn. Anh chị em chồng ở xa nên cơ bản cũng không thể nhờ vả được gì.

Gần đây mẹ chồng vài lần nhắc khéo vợ chồng tôi còn trẻ, nên sinh thêm con. Chồng tôi có khá đông anh chị em, nhưng anh cả mất khi chưa lập gia đình nên gánh nặng nối dõi tông đường được trao lại cho chồng tôi. Anh ấy thú thực là không quan tâm chuyện này, nhưng cũng thương mẹ nên đôi lần ướm hỏi tôi xem thế nào. Anh ấy muốn cho tôi quyền quyết định nên sinh con nữa hay không.

Không phải là tôi không quan tâm tới cảm xúc và suy nghĩ của mẹ chồng. Được ăn học tử tế nên tôi cũng thừa hiểu có con sớm sẽ tốt cho cả con và mẹ. Nhưng có điều, với mức thu nhập như thế này ở thành phố, tôi sợ không đủ tiền nuôi thêm con. Mà chắc gì tôi đã sinh được con trai, biết đâu lại "vịt giời" thì sao. Nếu vẫn "vịt giời", không lẽ tôi lại tiếp tục phải đẻ thêm đứa thứ ba, thứ tư…

Tôi đã suy nghĩ nhiều ngày nay mà mãi chưa quyết được. Sáng qua, tôi quyết định nói thật với mẹ chồng tất cả những nỗi lo của mình. Nghe xong, mẹ chồng buồn buồn bảo: “Con cứ quyết định, mẹ luôn mong có đứa cháu trai để nối dõi tông đường. Hai em trai của chồng con đều sinh con gái, hoàn cảnh lại khó khăn nên chả trông mong gì hơn, nhưng mẹ cũng không ép vợ chồng con”.

Nghe mẹ chồng nói, tôi thấy thương bà quá. Bà rất hiểu và cảm thông cho điều kiện của vợ chồng tôi. Hai cậu em chồng tôi đều có 2 con gái, gia cảnh cũng bình thường, giờ bảo sinh thêm thì đúng là "cạp đất mà ăn". Nói gì thì nói, nhà tôi vẫn khá khẩm hơn. Tôi không muốn mẹ chồng buồn, cũng muốn gánh vác cái nghiệp “nối dõi tông đường”, nhưng tôi vẫn chưa thoát được sự ám ảnh khi nghĩ tới chuyện sinh con thứ hai thì "cạp đất mà ăn". Càng nghĩ tôi lại càng cảm thấy đau đầu.

Các anh chị cho tôi lời khuyên với, tôi nên làm gì bây giờ?

Độc giả Ngọc Lan