Bộ Chính trị vừa quyết định điều động, phân công ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Thái Học - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương giữ chức vụ quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Đây là 2 địa phương có xáo trộn về cán bộ khi lãnh đạo tỉnh bị xử lý hình sự. Cụ thể, ngày 8/3, bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ. Trước đó, ngày 24/1, ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng bị khởi tố, bắt tạm giam tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Giữ gìn phẩm chất, gương mẫu và không để xảy ra vi phạm làm tổn hại uy tín của Đảng
Trong phát biểu nhậm chức sáng 18/3, tân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An nói: "Với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chúng ta vừa trải qua những ngày khó khăn, tôi mong các đồng chí đoàn kết, chung sức, đồng lòng, có bản lĩnh để vượt qua, không để xảy ra những vi phạm làm tổn hại đến uy tín của Đảng",
Tân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thẳng thắn chia sẻ, bản thân ông sẽ luôn gương mẫu, trách nhiệm, rèn luyện, nỗ lực hết mình, làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát huy truyền thống quê hương, tập trung củng cố, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh nhà trong sạch, vững mạnh.
Ngày được Đảng luân chuyển công tác mới, ông Dương Văn An bộc bạch: "Hôm nay nhận quyết định tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng đúng tròn 10 năm tôi được luân chuyển về Bình Thuận - nơi tôi nhận được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của Đảng bộ, đảng viên, đồng chí, đồng nghiệp".
Tại Bình Thuận, theo ông Dương Văn An, đây là môi trường để rèn luyện và trưởng thành. "Đó cũng là giai đoạn tôi tích lũy thêm kinh nghiệm để giờ đây tôi có mặt ở Vĩnh Phúc tiếp tục đồng hành với các đồng chí trong chặng đường phía trước", ông Dương Văn An nói.
Trước đó, ngày 17/3, phát biểu nhận nhiệm vụ quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Nguyễn Thái Học hứa quyết tâm thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao để cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trước Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
“Kể từ hôm nay, ngoài quê hương Phú Yên nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi xin phép với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng được làm người con của tỉnh”, ông Nguyễn Thái Học chia sẻ.
Ông Nguyễn Thái Học nguyện sẽ gắn bó máu thịt, dốc sức, chung lòng làm việc, xem Lâm Đồng như quê hương thứ hai của mình. Ông cũng mong được nhân dân tỉnh Lâm Đồng đón nhận và xem như người công dân của tỉnh.
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu làm việc, rèn luyện, gìn giữ bản thân thật tốt, đoàn kết gắn bó với đồng chí anh em thật nghĩa tình, sẽ sống và làm việc hết mình để cùng với cán bộ, quân và nhân dân Lâm Đồng không chỉ làm cho nắng hửng lên mà còn có nắng nhiều, nắng đẹp trên vùng đất Lâm Đồng bao la, hùng vĩ, thân yêu của chúng ta”, ông Nguyễn Thái Học nói.
Thử thách thực tiễn để đào tạo cán bộ
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) tin tưởng tân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An và quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học sẽ cùng cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
“Trung ương lựa chọn Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học và Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An làm người đứng đầu Đảng bộ Lâm Đồng và Vĩnh Phúc là hoàn toàn có cơ sở. Cả hai cán bộ này đều đã có quá trình ‘va đập’ từ Trung ương đến địa phương, có năng lực trong công việc và bản lĩnh chính trị vững vàng”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, qua lời phát biểu nhậm chức của các ông Nguyễn Thái Học, Dương Văn An, thấy rõ sự quyết tâm, cầu thị khi được Trung ương tin tưởng, luân chuyển về công tác tại những tỉnh vừa có những xáo trộn trong công tác cán bộ.
“Cần có thời gian để quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An thể hiện năng lực, phẩm chất lãnh đạo. Tuy nhiên, khi đã được Trung ương phân công về địa phương đang được dư luận quan tâm, không còn con đường nào khác là phải gương mẫu, quyết tâm, kiên trì để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Trương Xuân Cừ nói thêm.
Theo GS.TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc Trung ương phân công các ông Nguyễn Thái Học, Dương Văn An về công tác tại 2 tỉnh cũng là điều kiện tốt để thử thách, rèn luyện cán bộ.
“Có thể nói đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội để họ thể hiện phẩm chất, năng lực của bản thân”, GS. Phan Xuân Sơn nói.
Ông Phan Xuân Sơn cho rằng, để sớm ổn định tình hình địa phương, trước hết, người đứng đầu Đảng bộ hai địa phương phải nhận diện được nguyên nhân dẫn đến việc các cán bộ chủ chốt ở tỉnh bị xử lý.
“Thấy được nguyên nhân rồi thì người đứng đầu tỉnh phải nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục. Nếu là do tham nhũng thì phải củng cố hệ thống phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng đó, cũng phải làm công tác tư tưởng để đội ngũ cán bộ đoàn kết, nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng…”, ông Phan Xuân Sơn chia sẻ.
GS. Phan Xuân Sơn cho rằng, với những cán bộ được luân chuyển làm người đứng đầu Đảng bộ địa phương, cần phải tu dưỡng, rèn luyện để bản thân ‘miễn dịch’ với những cám dỗ về tiền bạc, vật chất.
“Người đứng đầu tỉnh là những người có chức, có quyền, có thể quyết định những dự án lớn ở địa phương. Nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không gương mẫu thì họ rất dễ bị doanh nghiệp, thậm chí cấp dưới dùng tiền bạc để mua chuộc”, ông Phan Xuân Sơn nói thêm.