Chiều 18/9, tại TP Đà Nẵng, Bộ TT&TT tổ chức họp báo trước Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 và các sự kiện bên lề.

Sự kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cho biết về công tác tổ chức, hội nghị lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng với Việt Nam và 9 nước thành viên ASEAN, Timor Leste lần đầu tiên được mời tham dự trong vai trò là Quan sát viên. Các nước đối thoại với ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cử đoàn tham dự. Mỗi đoàn sẽ có từ 5 đến 20 thành viên tham gia.

Từ năm 2022, với trách nhiệm là nước chủ nhà, Bộ TT&TT đã chủ trì kế hoạch tổ chức, phối hợp với các ban, bộ, ngành (như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính...) và UBND TP Đà Nẵng lên phương án tổng thể, chi tiết để chuẩn bị cho AMRI 16; 5 tiểu ban thuộc Ban tổ chức AMRI 16 được thành lập nhằm đảm bảo tổ chức tất cả các hoạt động tại sự kiện cũng như đảm bảo an toàn an ninh cho đại biểu tham dự.

Các phóng viên cơ quan báo chí tham dự họp báo.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN chủ trì đề xuất chủ đề của hội nghị, dự thảo các văn kiện dự kiến sẽ thông qua và chương trình nghị sự của Hội nghị AMRI. UBND TP Đà Nẵng đã tích cực phối hợp cùng Bộ TT&TT trong các công tác tổ chức ở các khâu liên quan...

Tại hội nghị sẽ có 2 hoạt động nổi bật là Diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng; Chuyển đổi số báo chí truyền thông.

“Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau trong truyền thông. Ngoài ra, Việt Nam có rất nhiều nội dung khác và đang đề xuất để ASEAN cùng thông qua”, đại diện Vụ hợp tác quốc tế thông tin.

Bàn các giải pháp ở tầm khu vực để xử lý tốt tin giả, tin sai sự thật

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, ngành Báo chí Truyền thông đang đứng trước bài toán quy mô toàn cầu, chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn với các phương thức truyền thông mới. “Chúng ta có thế hệ người tiêu dùng thông tin mới, công dân gần như sinh hoạt hoàn toàn trên không gian số, không còn có những nhận biết và trải nghiệm giống như các thế hệ đi trước…”

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, đây không phải là vấn đề thuần túy của Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu. Các nước gắn bó nhau trong một tổ chức ASEAN sẽ có các diễn đàn tầm khu vực chia sẻ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay để ứng phó việc này.

Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ tại buổi họp báo.

Thứ trưởng cho biết, qua hội nghị lần này, Ban tổ chức kỳ vọng các nước trong khu vực ASEAN sẽ giải quyết được lời giải chuyển đổi số báo chí truyền thống, để chiếm lĩnh không gian mạng và dẫn dắt định hướng thông tin trên không gian mạng. Thứ 2 là tìm ra những mô hình trên không gian số gắn liền với hiệu quả về kinh tế...

Để làm được việc này, các nước ASEAN sẽ phải bàn các giải pháp ở tầm khu vực để xử lý tin giả, tin sai sự thật, hạn chế những tác động tiêu cực từ những công nghệ mới được đưa vào lĩnh vực thông tin.

“Khi người dân được tiếp cận thông tin từ rất nhiều nguồn nhưng cũng là nạn nhân của tin giả, phương thức truyền thông mới, lấy chính lợi ích của người dân làm mục tiêu phục vụ. Báo chí truyền thông của các nước ASEAN trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của câu chuyện này, nhưng vừa là những tác nhân có vai trò tích cực, nếu như không muốn nói là quyết định không được phép thua trong “trận đánh” với các phương thức truyền thông xã hội khác. Mình vừa phải nhìn thấy cơ hội, vừa vượt qua thách thức, để thực hiện được sức mạnh của mình nhằm phục vụ cộng đồng.

Ban tổ chức kỳ vọng các quốc gia tham dự, trưởng đoàn là Bộ trưởng lãnh đạo phụ trách thông tin của các nước ASEAN sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến của quốc gia và đi đến thống nhất về những chương trình hành động chung để ứng phó với vấn đề này…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ sự kiện, ngày mai (19/9), sẽ diễn ra diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng. Sự kiện là nơi trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, nền tảng xuyên biên giới và các bên liên quan nhằm khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN trước tác hại của tin giả, hướng đến nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.