Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều nay, báo chí đặt vấn đề kiểm soát giá thịt lợn trong điều kiện giá thịt lợn những ngày qua tăng cao, tính toán việc nhập khẩu thời gian tới.

Theo Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam bắt đầu có dịch tả lợn châu Phi từ 1/2/2019 tại Hưng Yên, đến hết 30/11 có 152.000 con bị tiêu huỷ, giảm 88% so với những tháng cao điểm.

Đến nay, có 14% tỉnh có hơn 85% xã đã hết dịch qua 30 ngày, đây là điều kiện tốt để tái đàn, cung cấp thịt lợn thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho hay, thời gian qua, Bộ đã có 6 hội nghị chỉ đạo về tái đàn theo hướng an toàn sinh học, nâng cao sức đề kháng của lợn. Bộ cũng đã xây dựng được 740 chuỗi an toàn dịch bệnh - hình thức tốt để chống dịch chủ động.

{keywords}
Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Ông Tiến dẫn số liệu của tổng cục thống kê, các mặt hàng thực phẩm đến hết 9/2019 cung cấp 4,1 triệu tấn ra thị trường. So với năm 2018, thịt gia cầm tăng hơn 13,5% (tăng 150.000 tấn), thịt trâu bò có trên 130.000 tấn (tăng 4,2%, tương đương 6.000 tấn), thịt dê cừu có trên 30.000 tấn (tăng 5.000 tấn), trứng có 13 tỷ quả (tăng 2 tỷ quả)…

Tổng sản lượng thực phẩm tăng 390.000 tấn, một phần phục vụ tăng trưởng, một phần bù đắp cho thiếu hụt thịt lợn.

Theo ông, tổng đàn lợn hiện còn 25 triệu con, lợn nái 2,7 triệu con, đàn cụ kỵ 109.000 con, chỉ mất 10% do dịch, số cơ sở cung cấp lợn giống đảm bảo đủ cung cấp địa phương có thể tái đàn bằng giống có chất lượng cao.

Ông cũng cho biết, vừa qua khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ họp chỉ đạo việc cung ứng thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã họp với một số địa phương trọng điểm và doanh nghiệp lớn.

Các doanh nghiệp khẳng định chỉ bán thịt lợn với giá 66-70 nghìn đồng/kg. Sau phiên họp, giá thịt lợn đã dịu xuống, hiện chỉ còn khoảng 70 nghìn đồng/kg trong khi trước đó có thể lên đến 78 nghìn đồng/kg.

Theo Thứ trưởng, dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.

Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nhập nguồn từ đối tác song phương đảm bảo cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Thứ trưởng Nông nghiệp đề ra các giải pháp để phát triển đàn lợn trong thời gian tới. Đó là tập trung phòng chống dịch bệnh, tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, hộ chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học...

Trao đổi thêm, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thịt lợn là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng nên Bộ luôn theo dõi sát diễn biến cung cầu để có biện pháp tham mưu kịp thời.

Theo ông Hải, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm và giá thịt lợn trong nước tăng cao, nếu không cẩn trọng thì dịp Tết và sau Tết có thể ảnh hưởng đời sống người dân, chỉ số giá tiêu dùng…

Ông Hải ví dụ, tại Trung Quốc, giá thịt lợn tháng 9 và 10 tăng mạnh, ảnh hưởng làm tăng 1% CPI nước này.

"Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp phối hợp với Bộ Công thương tính toán số lượng cụ thể số lượng nhập khẩu từ đối tác có quan hệ song phương hai chiều với Việt Nam", ông Hải thông tin. 

Bộ trưởng Nông nghiệp mong dân thông cảm vì giá thịt lợn tăng

Bộ trưởng Nông nghiệp mong dân thông cảm vì giá thịt lợn tăng

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong người dân thông cảm vì giá thịt lợn tăng do giá thành sản xuất cao hơn.

Hương Quỳnh - Thu Hằng