Tại phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sáng nay, ĐB Sần Sín Sỉnh (Lào Cai) và ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nhắc tới dịch tả lợn châu Phi vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất chăn nuôi.

“Bộ đánh giá vấn đề này như thế nào, hoặc có giải pháp mạnh mẽ nào để sớm chấm dứt tình trạng này?”, ông Sơn hỏi.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì hỏi Bộ trưởng đã tìm được các biện pháp để bù lại lượng thịt heo bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi vừa qua cho nhân dân ăn Tết Nguyên đán chưa?

{keywords}
ĐB Sần Sín Sỉnh

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định đây là đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới, chưa bao giờ phải đối mặt với loại dịch tác hại ghê gớm như vậy.

Theo ông, virus dịch tả này xâm nhập đàn lợn gây tỷ lệ chết 100%. Đây là một điểm khó khi đối phó với virus này mà 100 năm nay, thế giới không sản xuất ra được vacxin. Trước tác động biến đổi khí hậu, loại virus này phát triển rất nhanh.

Tháng 3/2018, dịch tả lợn xuất hiện ở Trung Quốc nhưng nay đã 28 quốc gia bị dịch này khiến 30% đàn lợn của thế giới bị huỷ diệt. Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thực phẩm chưa từng có từ trước đến nay.

Ý thức được tác hại của vi rút dịch tả lợn, Việt Nam đã có sự chuẩn bị ngay khi Trung Quốc xuất hiện dịch.

Ngày 30/8, Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị toàn quốc về nội dung này. Ngày 20/9, Chính phủ ban hành chỉ thị và đến nay đã có 60 văn bản chỉ đạo, từ chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và các tỉnh…

Việt Nam cũng có kịch bản đối phó với dịch từ đầu. Cụ thể, tháng 9/2018, Bộ đã tổ chức diễn tập ứng phó, để khi dịch diễn ra ở đâu có thể đến phân loại, đưa ra giải pháp xử lý ngay.

Tuy nhiên, ngày 1/2/2019, ổ dịch đầu tiên được phát hiện và trong thời gian ngắn đã lan ra toàn quốc.

{keywords}
Bộ trưởng Nông nghiệp: Đây là điều đáng buồn nhưng chúng ta phải chấp nhận

"Đây là điều đáng buồn nhưng chúng ta phải chấp nhận", Bộ trưởng Cường nói.

Ông cho biết, đến nay Việt Nam đã thiệt hại 5,7 triệu con lợn (khoảng 8,5% tổng sản lượng). Đây là thiệt hại lớn, nếu rơi vào nhóm hộ gia đình nhỏ lẻ thì rất tai hại.

Theo ông, nhờ sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, địa phương, chu kỳ phát triển của dịch đang ở mức thấp nhất. Nếu tháng 6 là đỉnh điểm tiêu huỷ 1,2 triệu con lợn thì nay chỉ còn dưới 400.000 nghìn con. Đến nay 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn quay lại.

Chính phủ cũng hỗ trợ người dân, lúc đầu theo cân thực tiễn. Hai tháng sau thì có chính sách hỗ trợ theo giá thành sản xuất mức 70% giá thành, 20.000 đồng/kg lợn thương phẩm.

Thủ tướng cũng yêu cầu chính sách hỗ trợ tăng đàn, được áp dụng 500.000 đồng một con giống đàn cụ kỵ, ông bà để có nguồn tăng giống.

Bộ trưởng hoan nghênh Bộ Tài chính xuất 2.370 tỷ đồng đưa xuống 18 tỉnh hỗ trợ cho người dân, giảm thiệt hại.

“Chúng ta giữ được đàn giống hạt nhân, hiện nay đàn giống cụ kỵ, ông bà giữ được 109.000 con, chúng ta chỉ mất 10% ở đàn này. Số này được bảo vệ rất nghiêm ngặt và làm hạt nhân cho tăng trưởng tới đây của chúng ta”, ông Cường nói.

Ông cho hay, những DN lớn và hộ tuân thủ tuyệt đối quy trình an toàn sinh học đều giữ được đàn lợn. Đơn cử như cám được xử lý bằng tia cực tím trước khi cho lợn ăn, tôi vôi để rửa chuồng.

“Dịch bệnh nguy hiểm nhưng đồng lòng xử lý triệt để thì vẫn ngăn chặn được”, Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định.

Không để khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc

Với câu hỏi của ĐB Trí, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý, xác định rõ ba nguyên tắc.

Trước hết là bảo đảm an toàn dịch bệnh, không để bung ra dịch bệnh. Hai là phải tổ chức có sản xuất xâu chuỗi, DN làm cùng người dân. Ba là phải có thị trường chứ không thể sản xuất ồ ạt một lúc.

Nhờ các giải pháp đó, trong 9 tháng gia cầm tăng 12% sản lượng, thủy sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng chậm hơn, ở mức 4%.

{keywords}
ĐB Nguyễn Anh Trí

“Trước tình hình khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bằng cách bồi dưỡng để làm sao cho tăng sản lượng ngay tại thời điểm. Như vậy, bằng những thực phẩm và gia tăng đó thì để cân đối đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc”, ông Cường nói.

Nhắc đến việc người Việt có văn hóa đã quen ăn thịt lợn, nhưng theo Bộ trưởng Cường, với những thực phẩm khác cũng phải tuyên truyền chứ không phải một sớm, một chiều thay hết được.

Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng cho biết, trước đây giá 40-45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60-65 nghìn đồng/kg. Ông mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn.

Bộ trưởng Cường cũng nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được. Đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô lối, vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro lần thứ 2.

Hương Quỳnh - Trần Thường - Ảnh: Minh Đạt

Lúa gạo sẽ không chỉ là hàng bán mà trở thành dược phẩm

Lúa gạo sẽ không chỉ là hàng bán mà trở thành dược phẩm

Lúa gạo sẽ không chỉ là hàng bán mà trở thành các sản phẩm dược phẩm, Quảng Trị xây dựng mô hình 600ha lúa gạo hữu cơ, theo Bộ trưởng NN&PTNT đó là hướng đi đúng.