Trả lời báo chí về "số phận" của vắc xin "made in Việt Nam" tại họp báo Chính phủ chiều tối 4/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngay từ đầu khi dịch bùng phát tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và khuyến nghị các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia sản xuất vắc xin.

Đến nay, Việt Nam có 3 ứng cử viên vắc xin Covid-19 là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen; Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu; và vắc xin chuyển giao công nghệ ARCT-154.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Trong đó, vắc xin Nanocovax do Nanogen nghiên cứu đã tiến tới đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Vắc xin này đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng Đạo đức) cũng như Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế họp đánh giá.

Theo đó, qua rà soát hồ sơ, ứng viên vắc xin này vẫn còn một số dữ liệu Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị Nanogen bổ sung.

Thứ trưởng Y tế cho hay, hiện Nanogen đang tập hợp, bổ sung dữ liệu theo yêu cầu. Sau đó, theo đề cương nghiên cứu, các hội đồng tiếp tục họp và nếu đủ điều kiện thì Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ trình Bộ Y tế cấp phép cho vắc xin này.

Còn vắc xin Covivac của IVAC đã được đánh giá kết quả giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang ở giai đoạn 2 nghiên cứu. Vắc xin này đang được hoàn thiện đề cương, hồ sơ để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Với vắc xin ARCT-154, ông Tuyên cho biết, đây là vắc xin nhận chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ. Vắc xin này đã đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 và đang triển khai giai đoạn 3, theo đó đã tiêm thử nghiệm trên 1.000 tình nguyện viên.

"Cả 3 ứng viên vắc xin Covid-19 của Việt Nam đều đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Khi các đơn vị nghiên cứu vắc xin hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Đạo đức và Hội đồng tư vấn cấp phép, trên cơ sở đánh giá của 2 Hội đồng này, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép.", Thứ trưởng Y tế nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, vắc xin là một sinh phẩm tiêm vào cơ thể con người, nên yêu cầu đánh giá an toàn rất cao, bao gồm đánh giá tai biến tức thì và ảnh hưởng lâu dài. Chúng ta sẽ không cấp phép vắc xin khi chưa có nghiên cứu và đánh giá đầy đủ. 

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt cho biết, tháng 11/2021 Việt Nam thí điểm mở cửa khách quốc tế. Đến 15/3 vừa rồi, Chính phủ mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, nhưng khách quốc tế không nhiều.
Lý do, hoạt động đón khách du lịch quốc tế do 2 năm qua ảnh hưởng dịch bị gián đoạn và đứt gãy. Sự kết nối doanh nghiệp giữa bên nhận và gửi khách cần thời gian để kết nối lại.
Hơn nữa thời gian đón khách quốc tế đông là từ tháng 10/2022 – 4/2023. Thêm vào đó, khách chủ yếu từ các nước đông bắc Á gửi Việt Nam chiếm 70%, trong khi đó nhiều nước còn có các chính sách phòng chống dịch khác nhau. Ví dụ như Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách Zero Covid, Hàn Quốc cũng áp dụng cách ly khách từ Việt Nam về.
Ngoài ra, trong những tuần qua, số ca mắc Covid tại Việt Nam nhiều nên khách thận trọng hơn.
Từ đó, Thứ trưởng VH-TT-DL đưa ra hàng loạt giải pháp. Cụ thể như tập trung làm tốt công tác truyền thông từ việc nới lỏng chính sách visa, nhập cảnh, y tế đến kết nối giữa lãnh đạo nước ta với các nước. Cùng với đó là tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch thật tốt, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nhau…

Thu Hằng - Hồng Nhì

Thủ tướng phê bình Bộ Y tế báo cáo quá chậm về lô vắc xin sắp hết hạn

Thủ tướng phê bình Bộ Y tế báo cáo quá chậm về lô vắc xin sắp hết hạn

Thủ tướng phê bình Bộ Y tế đến nay mới báo cáo việc mua vắc xin AstraZeneca, trong khi sự việc diễn ra từ tháng 12/2021 là quá chậm.