LTS: Nước Anh đang thực hiện phương châm lây nhiễm cộng đồng có kiểm soát để chống đại dịch Covid-19. Người dân Anh chuẩn bị tâm thế như thế nào, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincolt, Anh.

Hôm qua, tôi nhận được nhiều tin nhắn hỏi thăm của bạn bè, của phụ huynh và của sinh viên về tình hình tại Anh và thành phố Lincoln, nơi tôi sống. Nhiều  người lo lắng hỏi, liệu tôi và gia đình có phải về Việt nam để tránh dịch không. Khi tôi hỏi tại sao lại nghĩ như vậy thì mọi người nói đọc báo thấy Anh chẳng làm gì cả và có nguy cơ thành ổ dịch.

Do vậy, tôi chia sẻ với mọi người, đặc biệt phụ huynh và sinh viên đang học tại Lincoln, một vài thông tin để mọi người hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại. 

Chính phủ Anh ngay từ đầu đã làm việc rất nghiêm túc và bài bản để chống lại dịch bệnh. Chính phủ Anh làm theo lời khuyên của các chuyên gia y tế và dịch tễ dựa trên các bằng chứng khoa học. Họ đưa ra kế hoạch 4 giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh:

(i) Ngăn chặn: cố gắng ngắn chặn dịch vào nước Anh.

(ii) Trì hoãn: Chấp nhận thực tế lây lan (sau giai đoạn 1) nhưng cố gắng trì hoãn đỉnh điểm của sự lây lan đến mùa hè.

(iii) Nghiên cứu: tìm ra nguyên nhân của sự lây lan, tìm ra thuốc chữa. Giai đoạn này làm đồng thời với các giai đoạn trên. Chính phủ đã chi ra 40 triệu bảng Anh để nghiên cứu thuốc chữa.

(iv) Xóa bỏ: Áp dụng các biện pháp đẩy lùi dịch. 

{keywords}
Thư từ Anh quốc: Nước Anh rất nghiêm túc và bài bản trong chống dịch Covid-10

Nước Anh bước vào giai đoạn (ii) từ ngày hôm kia và trong giai đoạn này có tính toán tới việc cấm các hoạt động đông người, ví dụ như tạm dừng giải bóng đá tất cả các lứa tuổi cho đến ngày 3 tháng Tư. Việc đóng cửa trường học và trường đại học là một khả năng nằm trong giai đoạn này tùy theo sự lây lan của dịch bệnh, hiện tại chưa có lệnh đóng cửa. 

Lời khuyên của các chuyên gia y tế và dịch tễ như trên là dựa trên các nghiên cứu ban đầu của họ về bản chất của dịch lần này (bằng chứng không được công bố hoặc tôi không đủ kiến thức để tìm đọc). Về cơ bản, cách tiếp cận của Anh là do dịch bệnh có thể quay trở lại vào những năm sau giống như một loại cúm mùa nên chấp nhận sự lây lan, thậm chí tới 60% dân số nhiễm, để tạo ra sự miễn dịch tự nhiên gọi là miễn nhiễm bày đàn. Cơ sở cho cách tiếp cận này có thể là thống kê về mức độ (chưa) nguy hiểm của dịch bênh và chưa có thuốc trị. Tuy nhiên, không nên hiểu lầm rằng Anh thả cho dịch bùng phát mà chính phủ cố gắng để trì hoãn sự lây lan từ từ và sẽ tạo ra đỉnh dịch phẳng vào mùa hè. 

Chiến thuật trì hoàn của Anh dựa trên sự tự giác của dân trong việc tự cách ly. Chính phủ Anh không thực hiện biến pháp cách ly hoàn toàn (tập trung), nhưng khuyến cáo dân nếu có biểu hiện thì tự cách ly trong vòng 1 tuần. Sau một tuần nếu không hết triệu chứng mới liên hệ Hệ thống Y tế Nhà nước (NHS). Hệ thống Y tế Nhà nước hoạt động hết công suất và chỉ tập trung vào các ca thực sự nghiêm trọng và nhóm người dễ bị tổn thương. Dân chúng được khuyến cáo rằng phần lớn các triệu chứng có thể chỉ là cúm mùa thông thường, và thậm chí có triệu chúng nhiễm corona virus thì cũng có thể tự khỏi sau 5 ngày. Họ chỉ thực hiện test với những trường hợp có nguy cơ cao theo đánh giá của họ chứ không phải theo đánh giá của người bệnh. Tính đến hôm nay, nước Anh đã thực hiện test khoảng gần 33.000 ca. Tôi xin nói thêm là Hệ thống Y tế Nhà nước hoạt động hết công suất theo nghĩa họ phân bổ nguồn lực theo kế hoạch cho từng giai đoạn vì cùng lúc còn có nhiều việc khác phải làm chứ không thể bỏ chỉ để đi chống dịch.  

Chính phủ Anh tôn trọng thông tin và quyền cá nhân của người dân nên các thông tin về sự nhiễm bệnh hoàn toàn không công khai, không tra hỏi về lịch sử di chuyển, không truy tìm những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm. Điều duy nhất quan tâm là triệu chứng, mức độ nguy hiểm và thực hiện test dựa trên những đánh giá đó. Chính phủ ra quy định dựa trên sự tự giác của người dân. Các trang thông tin chính phủ (BBC) thông tin thường xuyên về các ca nhiễm theo vùng để người dân tự đánh giá về mức độ lây lan và tự bảo vệ mình. Ví dụ, tôi vừa thực hiện kiểm tra thì vùng Lincolnshire có 1 ca nhiễm trên tổng số 755.833 dân. 

Các trường học ở Anh hiện tại chưa đóng cửa và họ nghe theo khuyến cáo của chính phủ. Ví dụ như trường Đại học Lincoln thường xuyên cập nhật cho sinh viên về tình hình dịch bệnh, những việc cần phải làm, và những việc tránh làm. Trường cũng đã thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho việc nếu chính phủ khuyến cáo đóng cửa và chuyển qua dạy trực tuyến như tập huấn về giảng dạy trực tuyến, lấy ý kiến giảng viên về khả năng và thiết bị làm việc tại nhà .v.v. Nghĩa là, mọi việc đều đã được chuẩn bị kỹ và lên rõ phương án sẽ làm gì. Thậm chí, trường đã lên kế hoạch cho khả năng nhiều sinh viên quốc tế sẽ nhập học muộn cho năm học tới (2020/2021) do ảnh hưởng của virus liên quan tới visa và đi lại. 

Người dân Anh có lo lắng về tình hình dịch bệnh, nhưng không hề có biểu hiện sự lo sợ. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên người nước ngoài thì có vẻ lo lắng nhiều hơn. Sinh viên nước ngoài đeo khẩu trang trên đường và trong lớp học và không có bất cứ sự kỳ thị nào xảy ra. Điều này khác hoàn toàn với những gì tôi đọc báo Việt Nam về sự phân biệt ở đâu đó. Có thể Lincoln là một thành phố nhỏ và dân chúng hiền hòa hơn các vùng đông dân cư khác. 

Nói tóm lại, là một người đang sống tại Anh và giảng dạy tại trường Đại học Lincoln, tôi có thể nói để các phụ huynh học sinh yên tâm rằng chính phủ Anh đã và đang làm việc rất nghiêm túc và bài bản, không thể nói là bỏ mặc dịch lây lan. Sự hiệu quả của mỗi cách tiếp cận chỉ có thể đánh giá sau khi dịch đã đi qua. Trường Đại học thực hiện theo các lời khuyên, chỉ dẫn của chính phủ, thông tin thường xuyên cho giảng viên và sinh viên về diễn biến dịch bệnh, đồng thời đã có các kế hoạch hành động nếu việc đóng cửa trường được Chính phủ khuyến cáo.

Quách Mạnh Hào

Giảng viên Đại học Lincoln, Anh