Phấn đấu 2030 sẽ “phi giấy tờ”

Tổng cục Hải quan vừa ký ban hành Quyết định 1550/QĐ-TCHQ về sửa đổi, bổ sung kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tổng Cục Hải quan yêu cầu toàn ngành hải quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, dần tiến đến chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc bộ hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan.

Tổng Cục Hải quan cũng yêu cầu, khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ quan hải quan để phục vụ thông quan hàng hóa. Đây được coi là mục tiêu và cam kết rõ ràng nhất cho tiến trình chuyển đổi số của ngành, nhằm bắt kịp hải quan điện tử các nước tiên tiến.

Đáng chú ý, trong Quyết định 1550 ngành Hải quan triển khai mục tiêu “phi giấy tờ” trong hoạt động xuất nhập khẩu trước năm 2030 từ khâu đầu đến khâu cuối trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Và để đạt được mục tiêu này, Quyết định 1550 cũng chỉ rõ ngành hải quan cần sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin là yếu tố cốt lõi cần được gấp rút triển khai.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, về bản chất, đây được coi là một trong các nhiệm vụ trong tâm của ngành trong chiến lược xây dựng và vận hành hải quan điện tử, nhằm bắt kịp xu thế chung của thế giới khi mà thông quan hàng hóa đã được tự động hóa “gần như” hoàn toàn. Nói gần như bởi lẽ, dù máy móc có hỗ trợ (hệ thống xuất nhập cảnh tự động, máy soi chiếu cho tới các thiết bị giám sát, phần mềm quản lý tối ưu…) thì vai trò của con người khi hậu kiểm cũng hết sức quan trọng.

HIEU1000.JPG
Ngành Hải quan đang đặt mục tiêu “phi giấy tờ” từ khâu đầu đến khâu cuối trong quản lý hàng hóa xuất nhập cảnh. 

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, công nghệ thông tin hải quan có liên quan mật thiết và có tầm quan trọng đặc biệt tác động đến sự phát triển của thương mại, đặc biệt là hoạt động ngoại thương và đầu tư quốc tế. Nhận thức được điều đó, công cuộc chuyển đổi số nói chung, ứng dụng CNTT đến từng hoạt động nghiệp vụ nói riêng được các Cục hải quan địa phương thực hiện rất nghiêm túc đến từng cửa khẩu, nhân viên.

Hải quan điện tử, hải quan số là xu hướng tất yếu

Phân tích thêm về tiến trình chuyển đổi số của ngành, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết: Ngay từ những năm 2020, cơ quan hải quan các cấp đã triển khai có hiệu quả chủ trương hải quan điện tử, hướng đến mục tiêu hải quan số, kết nối thông tin điện tử với cơ quan hải quan các nước và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính đến tháng 11/2024, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% cục hải quan và 100% chi cục hải quan thông qua Hệ thống VNACSS/VCIS. 

Bình quân mỗi năm, hệ thống VNACCS/VCIS xử lý thành công khoảng 11 triệu tờ khai hải quan điện tử, trong đó có khoảng 53% số tờ khai thuộc diện luồng xanh, tức là thông quan trong khoảng thời gian từ 1 - 3 giây. Trong khi đó hệ thống quản lý hải quan tự động (Hệ thống VASSCM được triển khai tại 33/35 cục hải quan tỉnh và thành phố, qua đó giảm tiếp xúc giữa công chức Hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cũng chia sẻ những khó khăn của ngành như: Hệ thống VNACCS/VCIS do phía Nhật Bản tài trợ được vận hành từ năm 2014 và các hệ thống vệ tinh (phục vụ công tác giám sát hàng hóa trước khi cập cảng) đã trải qua thời gian sử dụng lâu dài cần được đầu tư nâng cấp. Cụ thể, khi nhu cầu thương mại quốc tế tăng đột biến như hiện nay thì Hệ thống VNACCS/VCIS đang bị quá tải, tiềm ẩn nguy cơ sự cố thậm chí bị tấn công mạng.

Do đó, khi ngành hải quan tập trung xây dựng hệ thống hải quan thông minh, các ứng dụng như: Kết nối Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Điện toán đám mây (Cloud), Di động (Mobility)… thì việc đầu tư hạ tầng, bổ sung chuyên gia về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển hải quan thông minh, hải quan số là vô cùng cấp thiết. 

Được biết, tính đến 30/9/2024, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 74,2 nghìn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia trong đó lĩnh vực hải quan là một trong nhóm các ngành có số lượng thủ tục thực hiện liên thông trực tuyến lớn nhất. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.