“Với tư cách là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội phải quyết liệt hành động, chấm dứt ngay tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức, hành xử của cán bộ, công chức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” ngày 4/6.

Công thức '5 rõ' của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung

Thủ tục chậm, thanh kiểm tra nhiều

“Nói đến Hà Nội, người ta thường có câu Hà Nội không vội được đâu. Nhưng đến nay, tôi cho rằng phải chuyển thành câu Hà Nội phải vội rồi", ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cũng bày tỏ.

Ông Hiển chia sẻ những khó khăn của DN như: DN xếp hàng từ 6 giờ sáng nhưng đến 8-9 giờ đã hết số. Sở Kế hoạch đầu tư có 3 phòng đăng ký kinh doanh, giải quyết 1.200 hồ sơ/ngày nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Ông Hiển cho rằng, số lượng DN đăng ký mới, bổ sung đăng ký kinh doanh đang tăng lên hàng ngày. Tuy nhiên, công tác đăng ký đang còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, khâu đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch đầu tư giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày tuy nhiên hồ sơ yêu cầu lại tăng lên nhiều hơn.

{keywords}
Cộng đồng DN đưa ra những giải pháp nâng cao vị thế của thủ đô

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Hà Nội đang còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN như thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai...

Theo ông Lộc, khó khăn chính hiện nay là thời gian giải quyết không đúng thời hạn văn bản quy định hoặc niêm yết (51%), có chi trả chi phí không chính thức (44)% và cán bộ hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết (38%). Đối với DN muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn lớn nhất vẫn là lo ngại thủ tục hành chính phức tạp (46%), giải phóng mặt bằng chậm (22%) và quy hoạch đất đai chưa đáp ứng nhu cầu (21%).

Chủ tịch VCCI cũng khuyến nghị, khi tiến hành công tác thanh kiểm tra DN có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp nhằm giảm thiểu phiền hà.

Điều tra của VCCI năm 2015 cho thấy có 29% DN cho biết nội dung thanh kiểm tra trùng lặp (đặc biệt quy mô DN càng lớn thì tỷ lệ cho biết bị thanh kiểm tra DN càng cao: Nếu như chỉ có 27% DN nhỏ cho biết bị thanh kiểm tra trùng lặp, thì với DN vừa và doanh nghiệp lớn, con số này lần lượt là 50% và 57%. DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp (47%) và nông lâm thủy sản (33%) hiện có tỷ lệ cho biết bị thanh kiểm tra trùng lặp cao nhất.

Hà Nội phải là trung tâm sáng tạo của cả nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.

Theo Thủ Tướng, chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình DN khởi nghiệp, DN sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính.

{keywords}

Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội kiến nghị, Hà Nội cần rà soát hoàn thiện, đẩy nhanh quy trình nhận và trả lời kết quả. Đưa công tác quản lý nhà nước theo quy chuẩn ISO, đồng thời công khai quy trình này với DN. 

Đánh giá về triển vọng và vị thế của Hà Nội trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Hà Nội sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và người nước, khai thác và đầu tư cùng phát triển. 

Bộ sẽ cam kết giữ vững ngọn lửa đổi mới, tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo, đồng thời cùng các bộ, ngành với Hà Nội để xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN, triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư để phù hợp sự phát triển của Hà Nội.

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư cho 23 dự án. Tổng vốn đầu tư khoảng 36,9 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD.

Trong đó, có 7 dự án FDI- tổng vốn đầu tư trên 15 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 700 triệu USD)và 16 dự án vốn đầu tư trong nước- tổng vốn đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD). Các dự án này thuộc các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội cần huy động tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.

Duy Anh