Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá có vai trò quyết định trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số (Ảnh minh họa: Internet) |
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, bên cạnh 5 cơ sở dữ liệu quốc gia khác gồm: Đất đai quốc gia; Đăng ký doanh nghiệp; Thống kê tổng hợp về Dân số; và Bảo hiểm.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng. Thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai một số hạng mục của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Bộ đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư; tổ chức xử lý dữ liệu và thực hiện quét được gần 80 triệu Phiếu thu thập thông tin dân cư tại 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Một số địa phương còn lại sẽ thực hiện chuyển đổi dữ liệu.
Cùng với đó, các nội dung công việc quan trọng khác cũng đang Bộ Công an được gấp rút thực hiện như xây dựng dự thảo phương án nhập liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng hệ thống phần mềm, quy trình kết nối giữa hệ thống Căn cước công dân với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, bố trí nhân lực tại Công an các cấp nhất là việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã để phục vụ công tác triển khai dự án tại cơ sở…
Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 17 về Chính phủ điện tử trong năm 2019, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã nêu rõ một tồn tại, hạn chế là các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đất đai quốc gia chậm được triển khai. Với cơ sở dữ liệu quốc gia, nguyên nhân được chỉ ra là do chậm được bố trí kinh phí còn thiếu trong năm 2019.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mới đây Thường trực Chính phủ đã họp về việc bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phương án lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án này.
Trong kết luận cuộc họp, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong xây dựng chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương triển khai thành công dự án này, hoàn thành tốt tiến độ về thời gian và chất lượng dự án.
Về nguồn vốn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ngoài số vốn đã bố trí cho Bộ Công an trong năm 2020, số vốn còn lại được bố trí trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT rà soát các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu được triển khai tại Bộ Công an theo hướng tận dụng các nền tảng kỹ thuật công nghệ, hạ tầng dùng chung để giảm chi phí đầu tư. Bộ KH&ĐT chủ trì thẩm định, phối hợp Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Bộ Công an mới đây cũng đã tổ chức cuộc họp đánh giá về kết quả triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, tại cuộc họp này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu thời gian cuối năm 2020 sẽ có kết quả báo cáo với Chính phủ.
“Những khó khăn về vốn, kinh phí thực hiện đã được tháo gỡ thì cần phải tập trung thực hiện triển khai đảm bảo tiến độ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không được để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.