Đó là thông điệp đầy cảm động được Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi trong chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” tối 17/10.
Những bông hoa đẹp lan tỏa truyền thống, văn hóa tốt đẹp
Mở đầu phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.
Qua đó truyền đi thông điệp của lòng nhân ái, của sự sẻ chia, của niềm tin, sự thấu hiểu và quyết tâm hành động để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình - phồn vinh - ấm no - hạnh phúc.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại ngay khi đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm).
Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/1/1946, Người nói: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Thấm nhuần tư tưởng đó, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hằng năm chúng ta vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 86 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 56 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch và trên 730.000 người sử dụng lao động.
Cùng với sự quan tâm đó và sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, công tác giảm nghèo còn nhận được sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế.
“Chúng ta luôn trân trọng các “tấm lòng vàng” đã hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn một cách thầm lặng nhưng kiên trì, bền bỉ và hiệu quả. Đây là những bông hoa đẹp lan tỏa truyền thống, văn hóa tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc ta”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động được hàng chục ngàn tỷ đồng; giúp xây mới và sửa chữa hàng trăm ngàn căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh…
“Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng về giảm nghèo, được nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chúng ta đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”, Thủ tướng bày tỏ.
Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo, trăn trở khi vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước. Vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
“Ai cũng mong muốn có cuộc sống tốt đẹp nhưng “Mỗi cây mỗi hoa - Mỗi nhà mỗi cảnh”, có những số phận kém may mắn rất cần tấm lòng của cộng đồng… Mỗi sự giúp đỡ không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là suối nguồn tinh thần để giúp họ vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Trong thực tế, nhờ có chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội, hàng triệu người đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu và quay trở lại giúp đỡ cộng đồng.
“Chúng ta rất trân trọng những tấm lòng như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, cũng có nhiều người đặt câu hỏi: “Cho cần câu hay cho con cá” trong quan điểm xóa đói giảm nghèo? “Chúng ta cần nhận thức và hành động rõ ràng đó là cả hai. Chúng ta cần giúp đỡ vật chất để người nghèo giải quyết được cuộc sống trước mắt. Nhưng ở tầm nhìn xa, chúng ta cần tạo cơ chế, chính sách được ví như “cần câu” để người nghèo thoát nghèo bền vững”, Thủ tướng giải đáp.
Nhắc lại bối cảnh người dân ở các tỉnh miền Trung phải đối mặt với lũ lụt, sạt lở đất, chia cắt do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 4 và số 5, Thủ tướng chia sẻ: “Chúng ta rất đau xót khi nhiều gia đình mất mát về người và của” và biểu dương chính trong lúc này, biết bao tấm lòng tỏa sáng để giúp đỡ những người gặp khó khăn, kém may mắn.
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng và cảm thông”, Thủ tướng nghẹn ngào xúc động.
Theo người đứng đầu Chính phủ, xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân và cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia. Đó là sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và bạn bè, đối tác quốc tế.
Từ đó, Thủ tướng tha thiết đề nghị và kêu gọi: Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh; tăng cường kiến thức, kỹ năng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người nghèo.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước ta.
Những người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực vươn lên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
“Nhân dịp này, tôi xin trân trọng cảm ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế - với trái tim nhân ái, tinh thần trách nhiệm cao - tiếp tục có những đóng góp hiệu quả hơn nữa trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, nguồn lực từ xã hội đã xây dựng hàng chục vạn ngôi nhà, hàng ngàn cây số đường nông thôn, hàng trăm cây cầu dân sinh, hàng ngàn lớp học và công trình nước sạch;… hỗ trợ tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nghèo, giúp đỡ để giành giật lại cuộc sống cho hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt trong hơn 2 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi tha thiết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cả dân tộc ta đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhường cơm xẻ áo cho nhau, những ATM gạo, chợ không đồng, suất cơm miễn phí, những đồng tiền tiết kiệm của cụ già, em nhỏ… được gom góp để cùng với Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19. "Những nghĩa cử cao đẹp ấy mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam về những tháng ngày không thể nào quên; tiếp tục hun đúc thêm truyền thống nhân ái, nghĩa tình, nhân văn của dân tộc ta", ông Chiến nhấn mạnh. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam, các nhà hảo tâm trong cả nước, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, người có của giúp của, người có công giúp công; có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, đồng tâm, hiệp lực giúp đỡ người nghèo, người yếu thế và những địa bàn đặc biệt khó khăn. "Chúng tôi cam kết quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, công khai, minh bạch để Nhân dân và các tổ chức, cá nhân giám sát", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói. |