Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) được tổ chức từ năm 2010, theo cơ chế luân phiên 4 năm/lần tại 4 nước thành viên của ủy hội (Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam lên đường dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4. Ảnh: Đoàn Bắc

Đây là sự kiện quy tụ sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên MRC nhằm thảo luận, xây dựng chính sách và giải quyết các thách thức mà những quốc gia lưu vực sông Mekong đang đối mặt. 

Nhân dịp này, lãnh đạo chính phủ nước thành viên MRC cùng đánh giá tình hình thực hiện các quyết định đã đưa ra bốn năm trước đó, thống nhất về chiến lược và định hướng hợp tác cho tương lai.

Cho đến nay, có 3 kỳ hội nghị cấp cao đã được tổ chức: Lần đầu tiên vào năm 2010 do Thái Lan đăng cai tại Hua Hin; lần thứ 2 vào năm 2014 do Việt Nam đăng cai tại TP.HCM và lần thứ 3 vào năm 2018 do Campuchia tổ chức ở Xiêm Riệp. 

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra vào ngày 5/4 tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào.

Tham dự hội nghị lần này dự kiến có Thủ tướng Chính phủ 4 nước thành viên ủy hội. Ngoài ra còn có lãnh đạo, đại diện của 2 nước đối tác đối thoại (Trung Quốc và Myanmar); 12 đối tác phát triển: Australia, EU, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Bỉ, Phần Lan, Nhật Bản, Mỹ và Ngân hàng Thế giới; các tổ chức quốc tế và khu vực, tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực. 

Tiễn Thủ tướng tại sân bay Nội Bài có Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn. Ảnh: Đoàn Bắc

Theo chương trình, tại phiên khai mạc, Thủ tướng hoặc trưởng đoàn 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam sẽ phát biểu. 

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng sẽ lắng nghe phát biểu của Trưởng đoàn Trung Quốc, Myanmar; phát biểu của đại diện đối tác phát triển của MRC…

Mục tiêu của hội nghị là tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của ủy hội.

Hội nghị cũng sẽ tiếp tục khẳng định mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ hội nghị cấp cao trước đây.

Một nội dung nữa là các đại biểu sẽ phân tích, đánh giá những thách thức và cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực; xác định định hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất thỏa thuận, kế hoạch triển khai chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030. 

Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Alounxai Sounnalath đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Wattay.

Dự kiến Hội nghị cấp cao lần thứ 4 sẽ thông qua Tuyên bố chung Viêng Chăn, trong đó đánh giá thành tựu mà các nước trong lưu vực đạt được; phân tích, đánh giá thách thức và cơ hội đối với vai trò và hợp tác tại MRC, đồng thời đề ra định hướng hợp tác cho những năm tiếp theo.

18h30, Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam đến sân bay quốc tế Wattay, Viêng Chăn

18h30, Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam đến sân bay quốc tế Wattay, Viêng Chăn.

Đón Thủ tướng tại sân bay, phía Lào có Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Alounxai Sounnalath; Thứ trưởng Bộ Năng lượng mỏ Xay Nhakhone; Phó Đô trưởng Viêng Chăn Phukhong Bannavong; Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Amphay Kindavong. Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào.

3 điểm đổi mới của hội nghị 

Đổi mới trong chính sách, bao gồm việc gắn kết chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau (ví dụ: nước, thực phẩm, năng lượng); tăng cường sự liên kết giữa chính sách khu vực, quốc gia và hỗ trợ vượt qua thách thức để đạt được tiến bộ chung về đổi mới tư duy, tăng cường ngoại giao nước để xác định và đẩy nhanh chính sách mang lại lợi ích chung.

Đổi mới trong hợp tác, bao gồm xác định cơ hội thực tiễn để cùng thực hiện hiệu quả hơn việc thông qua các quy trình, quản lý rủi ro chung và đạt được những kết quả khả quan ở cấp khu vực và quốc gia vì lợi ích của người dân sinh sống trong lưu vực.

Đổi mới về công nghệ, bao gồm trang thiết bị, công cụ và sản phẩm kỹ thuật số, nâng cấp để tăng cường quy hoạch và quản lý lưu vực sông, hỗ trợ quá trình ra quyết định trong các điều kiện khó khăn, đặc biệt liên quan đến thay đổi điều kiện dòng sông do thay đổi hoạt động của hạ tầng nước và khí hậu.