Sau khi lắng nghe 13 ý kiến của các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là những ý kiến, tham luận hết sức sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm và đầy trăn trở.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP

Thủ tướng khẳng định, ĐBSCL là một phần máu thịt của tổ quốc Việt Nam. ĐBSCL đóng vai trò vị trí chiến lược rất quan trọng, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước...

“Nhận thức được tầm quan trọng của ĐBSCL, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nguồn lực, triển khai các giải pháp để phát huy, tiềm năng lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội phát triển cho vùng, nhất là trong bối cảnh vùng này đang và được dự báo tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu... 

Nghị quyết 120 cũng trên tinh thần ấy. Những chính sách, giải pháp, hành động của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua không chỉ đơn thuần là những chính sách phát triển kinh tế, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của đồng bào cả nước với người dân ĐBSCL”, Thủ tướng phát biểu.

{keywords}
 

Tổ chức "Đối thoại 2045" về ĐBSCL 

Thủ tướng cho biết, cách đây một tuần, Chính phủ đã tổ chức “Đối thoại 2045” nhằm tìm kiếm giải pháp và chính sách đột phá để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045, thực hiện di nguyện “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo chương trình nghị sự, sẽ có ít nhất một cuộc “Đối thoại 2045” như vậy được tổ chức ở vùng đất Chín Rồng để tìm kiếm những giải pháp đột phá hơn nữa, đưa khu vực này đi lên, không chỉ sánh vai cùng cả nước mà còn đóng góp quan trọng trên con đường phát triển thịnh vượng... 

"ĐBSCL là vùng đất nhân kiệt, nơi đã sinh ra và có đủ yếu hội tụ nhiều nhân tài nơi khác đến. Chúng ta cần xem đây là nguồn lực quan trọng, thậm chí quyết định trong chiến lược ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu.

Tài lực, vật lực là quan trọng, nhưng quyết định nhất vẫn là nhân lực, con người, chất xám, trí tuệ và cả cảm xúc, lòng dũng cảm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khởi xướng tới đây tại ĐBSCL sẽ tổ chức diễn đàn trong khuôn khổ “Đối thoại 2045”, nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các DN… những người đã gắn bó và đầu tư vào ĐBSCL.

Từ đó, tìm ra giải pháp cho người dân vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. 

{keywords}
Các đại biểu tham dự hội nghị 

"8G" trong phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng đã khái quát, quan điểm chiến lược, tiếp cận mới, cụ thể qua 8 chữ G để vận dụng trong thực tiễn phát triển bền vững ĐBSCL. 

Chữ G đầu tiên Giao: Phải dành nguồn lực, tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 đưa ra tinh thần là thuận thiên - là thích ứng nhưng không phải chúng ta giao cho trời đất tác động thế nào cũng được. Mà cái chính là các công trình giao thông thuỷ lợi phải được quan tâm, nơi sạt lở, gây mất mát cho đồng bào phải được quan tâm.

{keywords}
Ảnh VGP 

Chữ G thứ hai là Giáo: Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục là chìa khoá vàng của phát triển bền vững cho ĐBSCL. Giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của vùng cần chú trọng nội hàm mô típ giáo dục, giáo dục và giáo dục.

Giáo dục thứ nhất là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em cần phải học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì điều kiện tài chính.

Giáo dục phổ thông là nhân tố rất quan trọng để đưa ĐBSCL tiến bước, sánh vai cùng các vùng khác.

Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản.

Giáo dục thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở chuyển đổi bậc cao hơn về năng suất và thu nhập, bao gồm cả quản lý cao cấp.

Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề giáo dục đào tạo chưa được nổi bật và sắc nét trong Nghị quyết 120, đề nghị bổ sung một số nội dung trọng tâm về vấn đề này vào Nghị quyết.

Chữ G thứ 3 Giang (sông): ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế người dân nơi đây đều gắn liền với sông như Tiền, Hậu.

Chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông, đặc biệt là hệ logistics đường sông mới thành công. 

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm "kinh tế sông", giao thông thuỷ nội địa ĐBSCL là vấn đề lớn, cần nghiên cứu hệ thống hơn để phát triển. “Kinh tế sông” cần bổ sung vào tinh thần mới của Nghị quyết 120 sửa đổi tới đây.

Chữ G thứ 4 Gắn, là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, giữa Nhà nước với thị trường, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa trong nước với quốc tế, đặc biệt gắn với liên kết vùng để cùng phát triển bền vững. 

Chữ G thứ 5 “Giàu”. Tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón ‘đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.

Chữ G thứ 6 “Giỏi”, tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL.

Chữ G thứ 7 “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường.

Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong Nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện.

Chữ G thứ 8 “Giới”, là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết 120.

Các địa phương cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực

Giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, Thủ tướng nêu rõ, đối với thị trường lao động, các địa phương cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất để chuẩn bị sớm các kỹ năng cần thiết cho người lao động, thích ứng với nhu cầu thị trường.

Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng và triển khai đề án này. Đối với thị trường đất đai, cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai để thích nghi với nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của thiên nhiên.

Nghiên cứu để có cơ sở linh hoạt trong quy hoạch diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi diện tích sang các cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn và có khả năng thích ứng với diễn biến của biến đổi khí hậu, đảm bảo thu thập và sinh kế bền vững của người dân.

Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì thực hiện, để chuẩn bị thay thế quy hoạch sử dụng đất các tỉnh ĐBSCL đến năm 2020 đã hết thời hạn.

Thủ tướng cũng cho biết Luật Đất đai sẽ được lấy ý kiến sửa đổi vào cuối năm nay. Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL; đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện các dự án đã được quy hoạch.

Nhấn mạnh “lộ thông thì tài thông”, Thủ tướng đề nghị phát triển cả hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế vùng đất Chín Rồng.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời qua đó chia sẻ trở lại nguồn thu để hỗ trợ các địa phương bị tác động nặng bởi biến đổi khí hậu.

"Biến đổi khí hậu suy cho cùng cũng chỉ là những biến đổi mang tính ngoại sinh, một khi chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa và tinh thần dân tộc, những yếu tố mang sức mạnh nội sinh, chúng ta sẽ phát triển giàu mạnh trên mảnh đất thiêng liêng kế thừa từ cha ông" - Thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, nhưng Thủ tướng cho rằng, nội hàm của nó không phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa.

Biến đổi khí hậu không phải là do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người. Do đó, phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp.

ĐBSCL tăng trưởng ấn tượng sau khi có nghị quyết thuận thiên của Chính phủ

ĐBSCL tăng trưởng ấn tượng sau khi có nghị quyết thuận thiên của Chính phủ

Sáng 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

H.Thanh