Thay mặt Chính phủ, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 và 3 lần tổ chức hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

{keywords}
Ảnh: VGP

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương và sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân trong vùng.

{keywords}
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng đến sự phát triển bền vững ĐBSCL. Hội nghị cũng dành thời gian đánh giá những việc đã làm được, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120.

Thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ĐBSCL

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Bức tranh phát triển ĐBSCL càng được tô điểm thêm nhiều gam màu tươi sáng khi định hình được không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng có nhiều tiến triển. Điều này góp phần thay đổi bộ mặt của vùng ĐBSCL.

Mạng lưới quan trắc, giám sát khí hậu, thời tiết được tăng cường, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai được nâng cao. Riêng đợt hạn mặn 2019-2020, nhờ chủ động dự báo chính xác, kịp thời chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 nhưng đã giảm được 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng, người dân được mùa, gạo được giá.

Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 tăng trưởng rất ấn tượng khoảng 7,3%.

Đời sống văn hoá, tinh thần từng bước được nâng cao; dịch bệnh được giám sát, khống chế, có xu hướng giảm…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức lớn như: Thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động trong ngắn hạn.

Sử dụng nước ở thượng nguồn sông MeKong ngày càng phức tạp; cơ chế điều phối tiểu vùng khó phát huy được hiệu quả. ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi: Thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước... Ông đã đưa ra 6 kiến nghị trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL. 

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, ĐBSCL đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mục tiêu và nhiệm vụ tiếp theo vẫn còn rất thách thức, đòi hỏi sự đồng thuận và quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt và những quyết định chính xác, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng.

Bộ trưởng cho biết, báo cáo Quy hoạch vùng đang ở bước cuối trình Hội đồng thẩm định thông qua. Cùng với quy hoạch vùng, toàn bộ 13/13 địa phương trong vùng đang khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh nhằm cụ thể hóa quy hoạch vùng trong bối cảnh tổng thể, liên kết, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự kiến đến hết năm 2022, toàn bộ địa phương trong vùng sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch tỉnh.

Về huy động nguồn lực, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách nhà đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388 nghìn tỷ đồng.

Với số vốn được bố trí như trên, một số công trình trọng điểm của vùng dự kiến sẽ được triển khai và hoàn thành như: Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.

Riêng nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng ĐBSCL, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.

Với quy mô vốn như vậy, các công trình sẽ sau sẽ được hoàn thành: Đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa,...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL về vốn ODA, về công tác quy hoạch, phân bổ nguồn lực...

Mở đường băng cho vùng ĐBSCL “cất cánh”

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu: Trong Nghị quyết 120, Chính phủ nhìn nhận hệ thống GTVT vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng.

Trong ba năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai hai nhiệm vụ mà Chính phủ giao trong Nghị quyết 120.

Trong đó về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông.

Bộ đã phối hợp với 13 tỉnh thành và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT của vùng và cả nước nói chung.

“Một điểm mới mang tính đột phá là sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng ĐBSCL cần phải có 1 cảng nước sâu đóng vai trò là cửa ngõ để đưa hàng hoá của vùng ra thế giới. Chúng tôi đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100 nghìn tấn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Ba năm qua, công trình cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, đường kết nối Cao Lãnh – Rạng Sỏi hoàn thành, hình thành trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, một số dự án đang trong quá trình triển khai như: Cao tốc nối thành phố Cà Mau - Cần Thơ, cao tốc nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ và Sóc Trăng.

GS Võ Tòng Xuân: Nghị quyết 120 tháo 'vòng kim cô' cho người nông dân

GS Võ Tòng Xuân: Nghị quyết 120 tháo 'vòng kim cô' cho người nông dân

“Nhiều người gọi Nghị quyết 120 là “Nghị quyết vàng”, còn theo tôi, đó là Nghị quyết gỡ 'vòng kim cô' trên đầu người nông dân, giúp nông dân đổi đời” - lời GS Võ Tòng Xuân.

Hoài Thanh