Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 - 25/11.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính có: Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Hà Nội lên đường tới Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc |
Tham gia đoàn còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, tỉnh, thành và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức và Thủ tướng Kishida gặp trực tiếp, sau khi Đảng Dân chủ tự do giành chiến thắng trong tổng tuyển cử Nhật Bản ngày 31/10 vừa qua.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm là bước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đã được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới, cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam sẵn sàng cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới, thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, an ninh – quốc phòng, địa phương, giao lưu nhân dân.
Việt Nam sẵn sàng cùng Nhật Bản trao đổi chân thành, hữu nghị, tin cậy, thẳng thắn, thực chất và hiệu quả; thúc đẩy hợp tác ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhất là hợp tác kinh tế, y tế, vắc xin, thuốc điều trị Covid-19; hợp tác an ninh quốc phòng, hợp tác tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Anh, ngày 2/11. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, trong cuộc gặp nhân Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.
Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).
Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ cảm tình đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam, mong muốn sớm thăm Việt Nam, đề nghị hai nước phối hợp duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh.
Lãnh đạo hai nước nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm thu xếp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.
Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 31 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Nhật đạt 14,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD; Nhật Bản có 131 dự án cấp mới, đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 3,26 tỷ USD.
Còn tính lũy kế đến 20/9/2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản cung cấp tổng giá trị vay cho đến 12/2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD).
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Chính phủ Nhật Bản viện trợ hơn 4 tỷ yên để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho Việt Nam. Việt Nam đã hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.
Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với gần 220.000 người. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện có hơn 65.000 người. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có gần 450.000 người. Công dân Nhật Bản tại Việt Nam có khoảng 20.000 người.
Thu Hằng
Những bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Trong những năm gần đây, quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất.