- ổi mới quản trị ĐH; Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra..." chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với giáo dục ĐH trong năm học 2014 – 2015.

{keywords}  
  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học mới tại ĐHQG Hà Nội

Tại lễ khai giảng năm học mới của ĐHQG Hà Nội sáng 15/9, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQG Hà Nội nói riêng, của các trường ĐH, CĐ cả nước nói chung, đã giành được trong năm học vừa qua.

Thủ tướng cũng nêu một số bất cập của giáo dục ĐH cần khắc phục trong thời gian tới. 

Đó là chất lượng đào tạo, NCKH còn thấp, hiệu quả còn hạn chế; cơ cấu đào tạo, nghiên cứu chưa hoàn chỉnh; nội dung, phương pháp đào tạo, nghiên cứu còn có những mặt lạc hậu; quản trị đại học còn nhiều bất cập. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp chưa cao…

Thủ tướng yêu cầu trong năm học 2014 – 2015 và những năm tiếp theo, ĐHQG Hà Nội cũng các trường ĐH, CĐ trong cả nước cần làm tốt một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, đổi mới quản trị ĐH, chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng nền giáo dục ĐH, phải thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp, biện pháp, trong đó thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá.

ĐHQG Hà Nội và các trường ĐH, CĐ cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, năng động, trí tuệ, tài năng của tập thể lãnh đạo, của các thầy giáo, cô giáo, HSSV...

Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất. 

Thực hiện phân tầng chất lượng các ngành/ chuyên ngành để ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thu học phí theo đặc thù và chất lượng ngành học. Đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong NCKH và đào tạo. Tập trung triển khai thành công và hiệu quả đề án đổi mới tuyển sinh ĐH và sau ĐH theo phương thức đánh giá toàn diện năng lực người học.

  {keywords}
 

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, đủ khả năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề quan trọng các địa phương, các ngành, của quốc gia.....

Giảng viên đại học phải đồng thời là nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, triển khai các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục ĐH Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đạt chuẩn quốc tế. 

Chính phủ đang hoàn thiện và sẽ sớm triển thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp nhất là tạo điều kiện tự chủ, chủ động để thu hút các giảng viên, nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu tại các trường ĐH; đãi ngộ, tôn vinh các nhà giáo, các nhà khoa học tâm huyết, tài năng, có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp chung của đất nước.

Năm là, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hệ thống học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học. 

"ĐHQG Hà Nội cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc để đẩy nhanh tiên độ triển khai Dự án, phấn đấu trong 5 năm tới có thể chuyển được 2-3 trường đại học thành viên lên địa điểm mới và sớm đưa Trường ĐH Việt Nhật vào hoạt động" - chỉ đạo của Thủ tướng. 

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH phải gắn bó chặt chẽ và tiến hành đồng bộ với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục, đào tạo theo lộ trình thích hợp và những bước đi vững chắc. Mỗi cấp học, bậc học có nội dung, phương thức đổi mới phù hợp....

Ông Phùng Xuân Nhạ, giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, năm học vừa qua, ĐHQG Hà Nội đã tiên phong xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến. Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực bằng một bài thi tổng hợp đã chính thức được triển khai tại ĐHQG Hà Nội, được xã hội quan tâm, đánh giá cao.

ĐHQG Hà Nội đã có một số chính sách đặc biệt để phát triển hai trường THPT chuyên thuộc ĐHQG Hà Nội nhằm tạo nguồn học sinh giỏi cho Trường và tạo nguồn sinh viên đại học tài năng cho ĐHQG Hà Nội. Cụ thể là cho phép tuyển thẳng các học sinh THPT chuyên có thành tích học tập xuất sắc vào học bậc đại học tại ĐHQG Hà Nội; cho phép học sinh THPT chuyên xuất sắc được tích luỹ sớm một số tín chỉ phù hợp với chương trình đào tạo bậc đại học, tạo điều kiện rút ngắn thời gian học đại học nhưng vẫn đảm bảo khối lượng và chất lượng đầu ra theo quy định.

Hiện ĐHQG Hà Nội đã có hơn 50 nhóm nghiên cứu được hình thành, trong đó có 16 nhóm nghiên cứu được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh, cấp ĐHQG Hà Nội.

Các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội đã công bố 350 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, tăng 25% so với năm học trước và chiếm gần 15% tổng số bài báo quốc tế của cả nước. Hàng chục sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh được ký kết, chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt, ĐHQGHN được Chính phủ giao chủ trì Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Năm 2014, ĐHQG Hà Nội  có sự tiến bộ vượt bậc khi được Tổ chức xếp hạng đại học uy tín trên thế giới (Tổ chức QS) xếp vào nhóm 170 các đại học hàng đầu Châu Á, đứng đầu trong số các trường đại học của Việt Nam.

Ngân Anh