Theo thông tin từ Ban tổ chức, đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công của lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương diễn ra vào tháng 4/2018.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông; đặc biệt là sự có mặt của đông đảo nông dân đến từ các địa phương - đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.

Theo đó, trước thềm hội nghị đã có khoảng hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: Gửi trực tiếp qua hệ thống tiếp nhận thư điện tử của Báo Dân Việt/NTNN; qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và qua các hệ thống khác.

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phú chủ trì buổi đối thoại với nông dân được tổ chức tại Hải Dương hồi tháng 4/2018

Trong đó,câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…

Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Tại hội nghịlần này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng cũng lắng nghe các đại biểu là nông dân - đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước - nói lên tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với người đứng đầu Chính phủ một cách trực tiếp nhất”.

Theo ông Thào Xuân Sùng, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân đó chính là vấn đề tiêu thụ nông sản, nhiều thách thức trong hội nhập, những tác động về môi trường và biến đổi khí hậu tới sản xuất, đời sống người nông dân...  

Để giải quyết được vấn đề khó khăn này, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt... Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn muốn lắng nghe chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị, hiến kế của nông dân, doanh nghiệp.

Theo ước tính của ngành nông nghiệp, năm 2019 cả nước thu hoạch được tới 43,6 triệu tấn lúa; sản lượng thịt lợn đạt 3,3 triệu tấn, thịt gà đạt 1,3 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn…Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD.

Tuy nhiên, đây cũng được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do tác động bởi thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Đặc biệt là biến động về thị trường toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.

Tâm An