Một trong những nội dung được công nhân lao động kiến nghị đến Thủ tướng tại buổi đối thoại sáng 12/6 là việc bố trí nhà ở cho công nhân.

Tại buổi đối thoại, chị Nguyễn Đình Biên (SN 1986, ở Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, hiện nay đời sống của công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn, người lao động không an tâm làm việc, trong đó có vấn đề về nhà ở và trường học cho các con.

Tại nhiều khu công nghiệp, bản thân công nhân phải đi thuê những căn phòng trọ chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thấp, giá cả đắt đỏ và xa nơi làm việc. Trong khi, có nhiều đơn vị doanh nghiệp và tổ chức công đoàn muốn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân của mình thuê, thậm chí ở miễn phí nhưng chưa có cơ chế.

Từ thực tế này, chị Nguyễn Đình  Biên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo để có thể triển khai xây dựng nhà ở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi cho công nhân, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Một khu nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Bắc Giang vừa được xây dựng hoàn thành

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, việc xây dựng nhà ở cho công nhân còn gặp những khó khăn vướng mắc. Trong đó vấn đề vướng mắc nhất là việc xác định giá để thuê cần có hướng dẫn của các bộ, ngành cụ thể hơn. Ngoài ra việc miễn giảm tiền thuê đất, cũng còn bất cập mong Chính phủ, Thủ tướng sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện triển khai nhà ở cho công nhân.

Mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, trong giai đoạn 2016-2021 cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.

Theo ông Sinh, để đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, Chính phủ cũng đã tập trung vào một số nhóm vấn đề cụ thể, trong đó sẽ sớm hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhà ở cho công nhân mới đáp ứng 40% nhu cầu


Theo quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tại khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất trong quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi cho xây dựng nhà ở cho công nhân như: miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

Ông Sinh thông tin thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, đối với nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng nằm trong chương trình này.

Theo đó có 2 nhóm chính sách được bổ sung, trong đó nhóm 1 là hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng. Đây là quy mô rất lớn hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong thời gian tới.

Nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất 4,8%/năm. Nhóm chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo, xây dựng nhiều chủ trương.  Tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản. 
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100.

“Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao có thể giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt và lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước”, Thủ tướng chỉ đạo.

Gia Văn – Thu Hằng – Lê Anh Dũng