Theo CNN, năm nay, Thủ tướng Lý, người giữ vị trí quyền lực thứ 2 trong hệ thống phân cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhiều lần lên tiếng về nền kinh tế đang suy yếu của đất nước. Ông liên tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ổn định tình hình việc làm "phức tạp và nghiêm trọng" ở đại lục. Các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch Covid-19 kết hợp với khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Khắc Cường (giữa) thăm một công viên sáng tạo ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Hôm 17/8, ông Lý đã công du Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của đất nước và gặp gỡ các quan chức hàng đầu từ 6 tỉnh kinh tế trọng yếu gồm Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang, Hà Nam và Tứ Xuyên. Ông kêu gọi họ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương cũng như mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài hơn nữa.

Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh: "Hiện tại, chúng ta đang ở thời điểm khó khăn nhất trong việc ổn định kinh tế. Chúng ta phải củng cố sự phục hồi kinh tế với cảm nhận tính cấp bách vì thời gian không chờ đợi bất kỳ ai".

Ông Lý nói, 6 tỉnh có đại diện tham gia cuộc gặp là "trụ cột" của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đóng góp tới 45% tổng GDP và chiếm tới 40% lao động của cả nước. Trong đó, tỉnh Quảng Đông giáp với đặc khu hành chính Hong Kong là trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng nhất đại lục, với GDP của tỉnh là 1.900 tỷ USD. Ông Lý mong muốn những tỉnh này phải "dũng cảm đi đầu cũng như đóng vai trò then chốt trong việc ổn định nền kinh tế". 

Lời kêu gọi được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức ở Tứ Xuyên, một trung tâm lớn về khai thác lithium và sản xuất thiết bị điện tử của Trung Quốc, ra lệnh cho các nhà máy trên toàn tỉnh đóng cửa trong 1 tuần để duy trì nguồn cung cấp điện ít ỏi cho cư dân địa phương. Đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 6 thập kỷ kèm theo hạn hán đã khiến nguồn cung ứng điện ở Tứ Xuyên bị suy giảm nghiêm trọng. 

Nắng nóng gay gắt và hạn hán cũng ảnh hưởng tới những tỉnh, thành khác của Trung Quốc và gây thiệt hại mùa màng ở nhiều vùng canh tác trọng điểm, khiến giá rau quả tăng vọt.

Động thái diễn ra tiếp sau bằng chứng phản ánh, nền kinh tế Trung Quốc hồi tháng 7 một lần nữa đang mất đi động lực sau khi bắt đầu tăng tốc vào thời điểm nhà chức trách cho nới lỏng các hạn chế phòng chống Covid vào tháng 6. 

Cục Thống kê Trung Quốc hôm 15/8 thông báo, doanh số bán lẻ tại nước này tăng 2,7% trong tháng 7 so với một năm trước, nhưng chậm lại so với mức tăng 3,1% của tháng 6. Sản xuất công nghiệp đã tăng 3,8% trong cùng kỳ, nhưng giảm so với mức tăng 3,9% trong tháng 6.

Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi 16 - 24 tuổi đã tăng lên mức cao kỷ lục là 19,9%, nhỉnh hơn so với mức 19,3% của tháng 6. Hoạt động đầu tư vào bất động sản giảm 6,4% trong 7 tháng đầu năm nay và giá nhà mới tại 70 thành phố lớn đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp hồi tháng 7.

Để ứng phó, ông Lý yêu cầu 6 tỉnh kinh tế trọng điểm đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp trong khu vực của họ và đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt. Ông cũng đề nghị họ tạo việc làm cho lao động nhập cư nông thôn và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của các cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu tốn nhiều tiền như xe hơi và nhà ở.

Tuấn Anh

Reuters: Ông Lý Khắc Cường tiết lộ thời điểm thôi chức Thủ tướng Trung Quốc

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xác nhận sẽ rút lui sau khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào tháng 3 năm sau.