Sáng 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long dự hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore do Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP).
Cùng dự hội nghị có phu nhân của hai Thủ tướng và Bí thư 9 tỉnh, thành và hơn 500 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, Singapore.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, năm 2023 là thời điểm quan trọng khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. 10 năm trước, ông đã thăm Việt Nam và dự lễ khởi công VSIP Quảng Ngãi, VSIP thứ 5 ở thời điểm đó và từ đó, các khu VSIP đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ với 13 khu ở 9 tỉnh, thành khắp Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, thu hút được tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD và tạo ra 300 nghìn việc làm.
Hoạt động của các khu VSIP cho thấy sự hợp tác bền chặt và niềm tin chung của hai nước vào sự phát triển, đồng thời các khu VSIP cũng cho thấy sự đổi mới và tiến bộ không ngừng. Thương mại song phương đã tăng trưởng 7,2% trong thập kỷ qua, tính đến cuối năm 2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam. "Rất nhiều công ty Singapore đã đầu tư sớm vào Việt Nam từ logistic cho tới phong cách sống và tiêu dùng, nhiều nhà đầu tư Singapore đã tìm thấy đối tác tốt tại Việt Nam", ông Lý Hiển Long cho biết.
Thủ tướng Singapore dẫn chứng, nếu khu VSIP Bình Dương 1 tập trung phát triển công nghiệp nhẹ thì Bình Dương 3 là một khu công nghiệp xanh, thông minh, có nhà máy năng lượng mặt trời trong khuôn viên, là nơi có nhà máy trung hòa carbon.
Ông hy vọng các VSIP sẽ tiếp tục đóng góp vào sự lớn mạnh kinh tế của Việt Nam, đóng góp vào hợp tác kinh tế song phương Việt Nam và Singapore.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, trải qua 50 năm vun đắp và phát triển, quan hệ Việt Nam-Singapore không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, toàn diện. Hai nước tiếp tục hướng đến tầm cao mới dựa trên sự chia sẻ lợi ích chiến lược, thành quả hợp tác, tình hữu nghị vững chắc giữa hai nước.
Hai bên đã ký kết thỏa thuận về lập quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh (2/2023), tạo tiền đề triển khai hợp tác giữa hai nước trong kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính xanh, năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu.
"Hai nước có đủ điều kiện, cơ sở để nâng cấp lên tầm cao mới, nhất là sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long và phu nhân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại là trụ cột chiếm vị trí quan trọng nhất trong mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore, luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển toàn diện.
Về đầu tư, với hơn 3,3 nghìn dự án và 73 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và luôn nghiêm túc triển khai dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore hơn 150 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học và công nghệ.
11 khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đã đi vào vận hành, tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển KT-XH, đồng thời là hình mẫu cho quan hệ hợp tác hiệu quả, bền vững, lâu dài giữa hai bên.
Về thương mại, hai nước tiếp tục nằm trong nhóm 15 đối tác thương mại lớn nhất của nhau và theo hướng cân bằng.
Hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân… tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Số lượng du học sinh Việt Nam tại Singapore mỗi năm khoảng trên 10.000; nhiều cơ sở giáo dục hai nước đã kết nối để trao đổi việc học tập, giảng dạy. Việt Nam nằm trong 10 thị trường du lịch hàng đầu của Singapore…
Thủ tướng cũng thông báo về những yếu tố nền tảng phát triển, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua.
Nhất trí cao với những định hướng lớn trong quan hệ hai nước thời gian tới mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần tập trung kết nối hai nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần học hỏi nhiều hơn ở Singapore.
Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả mô hình khu công nghiệp Việt Nam-Singapore theo hướng bền vững, tiến tới hình thành hệ sinh thái công nghiệp - đổi mới sáng tạo - đô thị - dịch vụ - công nghệ cao tại nhiều địa phương.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, "thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".