Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung thực hiện công tác phòng chống, dịch Covid-19; một số tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và đã đạt một số kết quả ban đầu tích cực.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc vẫn còn chưa nghiêm, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành tăng cường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Cụ thể, về ngăn chặn lây nhiễm, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định; 

Triển khai ngay, thần tốc việc xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và phân loại, đưa các trường hợp nhiễm Covid-19 (F0) vào các cơ sở thu dung, điều trị hoặc hướng dẫn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và điều kiện của địa phương; tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất.

{keywords}
Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay, thần tốc việc xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, người có nguy cơ lây nhiễm cao... để kịp thời phát hiện F0

Về điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong, Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp nhiều tầng của Bộ Y tế;

Tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân. 

"Riêng về tiêm vắc xin, đẩy nhanh tốc độ tiêm, cần tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm. Tiêm ngay cho lực lượng y tế, người làm nhiệm vụ tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị chuẩn bị đầy đủ hệ thống kho bảo quản vắc xin. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định đối tượng được ưu tiên tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời kêu gọi mọi người dân chia sẻ, thông cảm những khó khăn, phức tạp trong phòng, chống dịch, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng, chống dịch vì sức khỏe của chính mình, vì cộng đồng và sự phát triển của đất nước; tiếp tục huy động mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội cho phòng, chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại từng tổ dân phố, khu dân cư... Động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Người đứng đầu Chính Phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định và hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật trong xét nghiệm, trên cơ sở đó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định giá đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc xét nghiệm; huy động, điều phối nhân lực y tế cho các địa phương phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch.

Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa việc bảo đảm lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiếu yếu; được sử dụng các nguồn lực, kể cả ngân sách địa phương để cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất cho người dân gặp khó khăn, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe cho nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết và tuyệt đối bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự trên địa bàn.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục thành lập, kiện toàn trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, bảo đảm tổ chức chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người dân mà Chính phủ đã ban hành.

Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm thuế và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan triển khai phương án huy động lực lượng vận tải chuyên dụng của nhân dân và doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch và y tế, kết nối với Tổng đài của Trung tâm cấp cứu 115 và Trung tâm hỗ trợ người dân của các địa phương tham gia chuyên chở bệnh nhân đến các cơ sở y tế một cách kịp thời trong trường hợp cần thiết.

Ngày 4/8, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư. Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công anvà yêu cầu triển khai nhanh. Đồng thời, đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thực hiện việc này.

Trước đó, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư.

Bộ Công an cho biết, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân đã được đưa vào vận hành, khai thác kể từ ngày 1/7/2021. Đến nay, hệ thống đang quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân.

Theo Bộ Công an, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịchCovid-19trên cả nước, việc quản lý di biến động người từ vùng dịch tại các địa phương đặt ra rất cấp bách.

Từ thực tế trên, Bộ Công an đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống để quản lý công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư.

Hệ thống có 2 phân hệ chính gồm: quản lý di biến động của công dân và quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19. Trong đó, phân hệ quản lý di biến động của công dân có chức năng dành cho công dân khai báo y tế sức khỏe trước khi đi qua trạm kiểm soát vùng dịch; và chức năng kiểm tra thông tin công dân đã khai báo y tế dành cho cán bộ tại các trạm kiểm soát.

Phân hệ quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho phép cán bộ tại các đơn vị y tế tiến hành kê khai thông tin công dân đi tiêm chủng, bao gồm thông tin cơ bản của công dân và thông tin liên quan đến tiêm chủng y tế.

Đến nay, hệ thống đã chính thức hoàn thành và có thể đưa vào hoạt động ngay mà không phải đầu tư thêm kinh phí, bố trí thêm nguồn nhân lực.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy