Chiều 11/11, trong khuôn khổ chuyến thăm và công tác tại Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; nhiệm vụ trong thời gian tới.

Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết của nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, TP có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. 

z4870435690631 27e0b1a25001c429f7e130cc583f7cb3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh CTV

Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%). Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.

Giai đoạn 2021-2023, Thanh Hóa đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

z4870366976911 ac56d3b4a9edc85f57ef801d1e352eca.jpg
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo kết quả đạt được với Thủ tướng. Ảnh CTV

Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.

Phát huy kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện thắng trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Để đạt được nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa; đặc biệt là giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, điện tử, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, y tế, giáo dục - đào tạo…

z4870366991508 eab4000a307c1158e802404243f54e60.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh CTV

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thanh Hóa phải giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng; quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội. Phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh không để đột xuất, bất ngờ; đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng lưu ý, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, tỉnh cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.

Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước…