Ngưng bán mắt kính do không hiệu quả
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Cty CP Thế Giới Di Động, cho biết chuỗi này hiện đã ngưng bán mắt kính, mặt hàng vốn được bán thử nghiệm kể từ giữa năm 2019.
Thời điểm thử bán mắt kính bên trong các cửa hàng Thế Giới Di Động, ông Hiểu Em cho biết quy mô thị trường mắt kính chính hãng tại Việt Nam vào khoảng 1 tỷ USD, lớn hơn mặt hàng đồng hồ. Sau khi thử bán đồng hồ thành công, chuỗi này quyết định bán thêm mắt kính thời trang để tăng doanh thu.
“Tuy nhiên, sau nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi thấy thị trường mắt kính bên ngoài sống được nhờ kính thuốc là chủ yếu. Thế Giới Di Động mà mang thêm máy đo mắt vào chuỗi của mình để phục vụ nhu cầu khách mua kính thuốc có vẻ không hợp. Do đó, chúng tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh mặt hàng này”, ông Hiểu Em nói với ICTnews.
Khách hàng thử mắt kính tại Thế Giới Di Động hồi giữa năm 2019. Ảnh: Hải Đăng |
Như vậy trong hai mặt hàng mới hoàn toàn được đưa vào kinh doanh năm 2019, Thế Giới Di Động chỉ giữ lại mảng đồng hồ, bỏ sản phẩm mắt kính.
Trong năm đầu tiên thử nghiệm, chuỗi này mở mới 253 cửa hàng có bán đồng hồ, với doanh thu 800 tỷ đồng. Trung bình mặt hàng đồng hồ góp khoảng 25% doanh thu cho mỗi cửa hàng Thế Giới Di Động.
Mở, đóng hàng loạt để tìm ra bài toán kinh doanh hoàn hảo
Việc mở thử nghiệm và đóng cửa khi không hiệu quả được thực hiện thường xuyên và liên tục tại Thế Giới Di Động. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập chuỗi này, từng chia sẻ cho biết trong suốt 15 năm phát triển, chuỗi này không ngừng thực hiện quy tắc “thử và sai” để tìm ra bài toán tốt nhất cho công việc kinh doanh.
“Điều các bạn đang nhìn thấy tại Thế Giới Di Động là những thành công mà công ty đạt được sau quá trình thử và sai. Có rất nhiều thứ từng bị dẹp, nhiều thất bại phía sau lắm mà các bạn chưa nhìn thấy”, ông Tài chia sẻ với một số phóng viên vào năm ngoái nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập công ty.
Năm 2019 chứng kiến thị trường bán lẻ nói chung và bán lẻ hàng công nghệ nói riêng cực kỳ căng thẳng. Viễn Thông A sau khi được Vingroup mua lại đã đóng cửa, các cửa hàng VinPro của Vingroup theo đó cũng giải thể. Đồng thời, Vingroup nhường mảng kinh doanh bán lẻ cho Masan để tập trung vào công nghệ, công nghiệp.
Năm ngoái, FPT Shop cũng thử nghiệm bán đồng hồ, mắt kính; hợp tác với Fado để mở trang mua hàng từ Mỹ, Nhật,...; bắt tay với Nguyễn Kim để bán online mặt hàng điện máy. Vài tháng sau, cú bắt tay với Nguyễn Kim chấm dứt, FPT Shop vẫn giữ lại những thử nghiệm đã đề cập.
Không nằm ngoài quy luật thị trường, Thế Giới Di Động trong năm 2019 và đầu 2020 cũng tích cực thử nghiệm những sản phẩm và mô hình mới để gia tăng doanh thu. Dĩ nhiên bên cạnh việc liên tục thay đổi để làm mới mình như một triết lý kinh doanh, Thế Giới Di Động chịu áp lực lớn về các kế hoạch doanh thu và lợi nhuận nhằm duy trì niềm tin của nhà đầu tư và để nuôi bộ máy hơn 50.000 nhân viên trên toàn quốc. Do đó, chuỗi này không ngừng thử các chính sách kinh doanh mới nhằm giữ đà tăng trưởng trong bối cảnh ngành điện thoại tăng trưởng âm, ngành điện máy nói chung không tăng mạnh như trước.
Chỉ trong năm 2019 đến đầu 2020, Thế Giới Di Động liên tục thử nghiệm mở bán đồng hồ, mắt kính, mở chuỗi Điện thoại Siêu rẻ, mở trung tâm laptop, mở lại các cửa hàng điện thoại nhỏ đánh sâu vào khu vực quận huyện.
Trong đó, mặt hàng mắt kính đã ngừng kinh doanh. Riêng chuỗi Điện thoại Siêu rẻ, ông Hiểu Em cho biết doanh thu chỉ đủ bù chi phí. Sắp tới, chuỗi này sẽ mở thêm các cửa hàng ở những vị trí mặt bằng thích hợp hơn để xem xét tình hình kinh doanh.
Kể từ khi mở chuỗi Điện thoại Siêu rẻ, CEO Cty CP Thế Giới Di Động cho biết tìm ra được mô hình cho chuỗi Thế Giới Di Động quy mô nhỏ đánh vào các huyện, xã. Các cửa hàng nhỏ này chỉ có một nhân viên duy nhất, mặt bằng nhỏ nhằm tiết giảm chi phí, đủ mang về lợi nhuận khi bán hàng ở các vùng xa vốn nhu cầu không lớn như thành phố.
Với đà này, nếu chuỗi Điện thoại Siêu rẻ hoạt động không hiệu quả, có thể chúng sẽ được thay bằng mô hình Thế Giới Di Động “mini” thọc sâu vào khu vực dân cư huyện, xã.
Không chỉ hoạt động mạnh mẽ trong năm 2019, triết lý “thử sai” đã thực hiện xuyên suốt 15 năm. Trước đây Thế Giới Di Động từng thử mở cửa hàng ở các huyện nhưng không thành công, buộc phải đóng cửa. Để theo đuổi triết lý này, chuỗi bán lẻ số 1 Việt Nam từng đóng cửa không ít dự án.
Chẳng hạn, chuỗi này từng mở trang thương mại điện tử Vui Vui nhưng đóng cửa, từng mở các cửa hàng máy cũ nhưng rồi cũng giải tán, cũng từng thử nghiệm các cách thức bài trí sang trọng và tiết giảm nhân viên nhưng cho tới nay chưa thấy nhân rộng, thử mô hình giữ xe tự động nhưng lại đóng…
Đi vào chi tiết hơn, sẽ thấy chuỗi này thực hiện những thử nghiệm hàng ngày trên cả 4 chuỗi hiện hữu: Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, Bách hoá Xanh, nhà thuốc An Khang. Trong đó, những thử nghiệm mở rộng mặt bằng và bài trí lại không gian đã giúp Điện máy Xanh tăng doanh thu trung bình lên 30% mỗi cửa hàng thay đổi.
Riêng chuỗi Bách hoá Xanh thử nghiệm hàng loạt mô hình cho đến khi tìm được bài toán kinh doanh tối ưu, dù hiện tại chưa được như kỳ vọng nhưng đã hoà vốn EBITDA để nhân rộng lên hơn 1.000 cửa hàng. Trong đó, các nhà thuốc An Khang cũng đang là ẩn số có thể được khởi động nhanh một khi thấy thị trường bán lẻ dược phẩm có tiềm năng.
Nhìn ở mặt nào đó, rõ ràng MWG đang vật lộn với các kế hoạch, liên tục tìm cách để đảm bảo tăng trưởng hai con số hàng năm. Chuỗi này vẫn phải “nhờ cậy” mặt hàng điện thoại, điện máy trong ít nhất hai năm nữa để bảo đảm doanh thu, trong khi chờ Bách hoá Xanh thực sự mạnh để trở thành động lực chính của tập đoàn. Do đó, dù muốn hay không, trong ít nhất hai năm tới, dù thị trường điện thoại tăng trưởng âm, điện máy tăng chậm, MWG vẫn phải tích cực thử nghiệm các chiến lược kinh doanh mới để vẫn giữ được doanh thu làm hài lòng nhà đầu tư và giúp chuỗi này duy trì vị trí hiện tại.