Là huyện miền núi của Thủ đô, huyện Ba Vì (TP Hà Nội) với 7 xã miền núi với 24 dân tộc thiểu số chủ yếu là người Mường và người Dao tổng cộng 29.477 người, phân bố trong 7.538 hộ dân.
Mặc dù đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng huyện Ba Vì vẫn là “vũng trũng” của giáo dục Thủ đô, đặc biệt là vấn đề tiếp cận tri thức và thông tin.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và phát triển các loại hình thư viện hiện đại, đa dạng đã trở thành công cụ quan trọng giúp giảm nghèo thông tin, mở ra những cơ hội mới cho thanh thiếu niên, học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số tại đây.
Việc phát triển các loại hình thư viện không chỉ là giải pháp giáo dục mà còn là chiến lược giảm nghèo thông tin, tạo cơ hội học tập và phát triển cho học sinh dân tộc thiểu số.
Thư viện trường THCS Sơn Đà là ví dụ điển hình. Với diện tích 120 m2, trường THCS Sơn Đà đã bố trí phòng thư viện ở vị vị trí thuận lợi cho bạn đọc đến tra cứu, đọc sách.
Thầy giáo Vũ Trọng An, Phó Hiệu trưởng trường THCS Sơn Đà cho biết, tính đến ngày 10/11, thư viện của nhà trường đã có tới 6.122 đầu sách (năm 2024 mua mới 263 bản).
Trong đó, sách giáo khoa 3506 bản, sách nghiệp vụ 802 bản, sách tham khảo 1814 bản; báo và tạp chí 8 loại; băng đĩa 60 chiếc.
“BGH nhà trường chúng tôi rất quan tâm, chỉ đạo các hoạt động của thư viện nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Theo đó, có đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách để thư viện hoạt động thường xuyên có hiệu quả.
Sách, báo, tài liệu thư viện được bảo quản tốt, sử dụng thường xuyên, có hiệu quả”, ông An cho hay.
Được biết, ngoài những đầu sách báo in giấy, nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của bạn đọc, thư viện trường THCS Sơn Đà còn trang bị 8 máy tính kết nối mạng Internet, 1 máy chiếu… cùng 30 chố ngồi đọc cho học sinh, 20 chỗ ngồi đọc cho giáo viên.
Học sinh lớp 9A, Nguyễn Hà Anh cho biết, mỗi tuần em lên thư viện 1 lần. Tùy thuộc vào nội dung học trong tuần để em chọn lựa sách tham khảo. Ở đây, em tìm kiếm được nhiều thông tin hữu ích, bổ trợ cho các kiến thức học ở trên lớp.
“Ví dụ như việc học Tiếng Anh, ngoài kiến thức ở sách giáo khoa. Qua máy tính kết nối mạng em có thể tìm kiếm được những đề tiếng Anh phù hợp với kiến thức được học, nhằm nâng cao kiến thức”, học sinh Nguyễn Hà Anh chia sẻ.
Theo thầy An, Hà Anh chỉ là một trong số nhiều giáo viên và học sinh thường xuyên đến thư viện đọc, mượn sách. Thói quen đọc sách, tìm kiếm thông tin thông qua thư viện của nhà trường đã hình thành trong cán bộ giáo viên, học sinh của nhà trường.
Để tạo được thói quen này, nhà trường thường xuyên tổ chức các hình thức hoạt động thư viện. Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã tổ chức 8 buổi tuyên truyền giới thiệu sách, 2 lần trưng bày triển lãm sách và tổ chức 1 ngày hội đọc sách.
Song song đó, nhà trường cũng phát động phong trào quyên góp ủng hộ vở viết tặng cho các em học sinh nghèo. Tổ chức cuộc thi vẽ tranh tháng 12 theo chủ đề ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam.
Thầy An đánh giá, hoạt động của thư viện phù hợp với công tác của giáo viên và tâm sinh lý của học sinh, các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Thư viện cũng tổ chức thường xuyên việc cho đọc, mượn sách, tài liệu thư viện.
Kết quả, trung bình mỗi tháng có 158,6 lượt bạn đọc là giáo viên đến thư viện đọc, mượn sách; 751 lượt học sinh mỗi tháng đến thư viện tìm kiếm thông tin. Tổng số tài liệu lưu hành trung bình là 1277 lượt/tháng. Qua việc đa dạng hóa các hình thức đọc sách, đã cung cấp kiến thức, nâng cao các kỹ năng, giúp giáo viên học sinh trường THCS Sơn Đà giảm nghèo thông tin một cách bền vững.