Năm 2022, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Chương trình triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo).
Mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Thực hiện mục tiêu trên của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; xây dựng nông thôn mới thông minh.
Công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng lên rõ rệt. Hạ tầng số được quan tâm đầu tư, nâng cấp.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 108/108 xã thành lập được Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292/1.292 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia...
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. UBND tỉnh ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021, nâng cao chỉ số năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trong tháng 5/2022, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, toàn bộ số xã của tỉnh đã được cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc gắn với ứng dụng chữ ký số và phần mềm Một cửa điển tử gắn với dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tăng lên đáng kể. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%...
Theo đó, tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố, đạt 84,69/100 điểm, tăng 05 bậc và tăng 6,12 điểm so với năm 2020.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 về việc phê duyệt Đề án Tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; từng bước nâng cấp chuyên trang Chính quyền điện tử tỉnh thành Trang Thông tin điện tử chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn.
Triển khai phương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G tại thôn, bản trên địa bàn tỉnh ước đạt 96%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh ước đạt 73%; tỷ lệ cuộc họp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể (trừ cuộc họp mật) được tổ chức trực tuyến ước đạt 40%.
Mạng lưới điểm phục vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh đảm bảo được vai trò, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tất cả các xã trên địa bàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và Internet; các dịch vụ đảm bảo chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Trong năm 2022, thực hiện đầu tư mới 44 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; nâng cấp, chuyển đổi 49 đài truyền thanh hữu tuyến/đài truyền thanh FM là các đài đang còn hoạt động thường xuyên sang phương thức đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với tổng số cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được đầu tư mới và nâng cấp trên địa bàn toàn tỉnh là 687 cụm thu loa. Đầu tư thiết bị số hóa kết nối hệ thống truyền thanh của 08 trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh các huyện, thành phố với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh. Bước đầu đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền tại địa phương.
Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn.
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử cũng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hộ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên nền tảng số. Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… Lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.
Năm 2023, Bắc Kạn sẽ xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 08 xã. Đồng thời, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới…