Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động và cho chính các doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, công nghiệp phụ trợ,...
Ông Dũng cho rằng, đây là một trong những khâu đột phá để phát triển GDNN.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Thanh Hùng |
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp) cho hay, năm 2020 là năm dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội trong nước và thế giới nói chung, sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước nói riêng.
Từ sự khó khăn của doanh nghiệp, công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo của các nhà trường cũng bị ảnh hưởng do thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp bị hạn chế vì các doanh nghiệp bị đình trệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các ngành nghề vận tải, dịch vụ, du lịch và một số lĩnh vực cụ thể khác như lưu trú, ăn uống, nghệ thuật, vui chơi, giải trí,...
Hội nghị tìm cách tăng cường gắn kết doanh nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề. |
Song, theo ông Hùng, về cơ bản các hoạt động trong năm 2020 đã bảo đảm kế hoạch, góp phần thúc đẩy việc gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp tiếp tục phát triển và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Theo ông Hùng, các kết quả hoạt động này đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với thị trường lao động và giải quyết việc làm.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp). Ảnh: Thanh Hùng |
Song, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng nhìn nhận một số khó khăn, thách thức.
Theo ông Hùng, hiện khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt; sự hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở GDNN chưa cao.
Trong hợp tác thì hình thức tiếp nhận học viên của cơ sở GDNN đến thực tập cuối khóa học được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác.
Về phía các doanh nghiệp thì chưa cung cấp nhu cầu nhân lực lao động hàng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động và GDNN theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Do đó,trên thực tế các cơ sở GDNN vẫn chưa thực sự đào tạo theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Nhiều cơ sở GDNN chưa thiết lập được bộ phận chuyên quan hệ với doanh nghiệp để tạo sự chủ động trong mối quan hệ cung cầu lao đông qua đào tạo nghề nghiệp. Một số địa phương chưa tích cực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thuộc quyền tăng cường gắn kết với doanh nghiệp.
Thanh Hùng
Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2020 đạt gần 2,3 triệu người
Ngày 28/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.