Nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho nỗ lực thúc đẩy dòng vốn xanh, nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ngày 10/9/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.

W-37   Thuc day Dong von xanh.jpg
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn về dòng vốn xanh.

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. 

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để không bị loại ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất xanh đang thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới. Hiện một số doanh nghiệp đã thay đổi từ việc sử dụng nhiên liệu than trong sản xuất sang sử dụng chất đốt sinh thái như trấu, vỏ điều, viên nén mùn cưa...; hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, xây dựng dây chuyền sản xuất theo tiêu chí nhà máy xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, trong đó, doanh nghiệp còn khá khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành doanh nghiệp xanh. 

TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, chính sách thu ngân sách phát huy hiệu quả, điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Về chính sách chi ngân sách nhà nước, cơ quan nhà nước đã hoàn thiện các quy định ưu tiên chi đầu tư và chi thường xuyên cho mục tiêu tăng trưởng xanh.

“Việt Nam đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh hiện tại, cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần tập trung vào việc nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời đảm bảo đầu tư hiệu quả”, bà Nga cho biết.

Cung cấp một số thông tin về quy mô tài chính xanh tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023. Về trái phiếu xanh, giai đoạn 2016-2020, đã có có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn 2019-6T/2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

TS. Cấn Văn Lực cũng phân tích rất kỹ về nhu cầu tài chính xanh trên thế giới; Thực trạng tài chính xanh tại Việt Nam; Cơ hội và thách thức phát triển tài chính xanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam và đề ra các giải pháp thúc đẩy dòng vốn xanh để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nguồn vốn xanh tại Việt Nam.