Trong xây dựng nông thôn mới, môi trường là một tiêu chí quan trọng. Sau thời điểm các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nếu không tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện thì các kết quả đạt được sẽ nhanh chóng tụt hậu. Do đó, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng thực hiện hiệu quả tiêu chí này.

Xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh được công nhận xã nông thôn mới năm 2015 và xã nông thôn mới nâng cao năm 2022. Bộ mặt nông thôn nhờ đó cũng "thay da đổi thịt" từng ngày, cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần sự quan tâm và tham gia thường xuyên, liên tục của nhân dân. Vì vậy, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã tiếp tục vận động nhân dân duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường.

Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng tổ chức, các hội, đoàn thể. Nhiều phần việc cụ thể, mô hình hay, hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng, khơi dậy ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Xã cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường. Hàng năm, xã xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chuồng trại tại các hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Trên địa bàn xã hiện có hơn 230 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực chăn nuôi, kinh doanh… 100% các cơ sở đã ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã.

Ninh Bình 2
Cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp tại xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh.

Tại xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tiêu chí môi trường, tạo cảnh quan nông thôn cũng nhận được sự quan tâm và tham gia thường xuyên, liên tục của người dân nơi đây.

Việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường được xã triển khai đồng bộ từ các thôn, xóm, nhà trường, trong các buổi sinh hoạt, hội họp của cộng đồng dân cư. 

Công tác tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm ở xã được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng bằng các hoạt động thiết thực như: Phát quang bụi rậm, dọn cỏ, thu gom rác trên tuyến đường, trước nhà; tham gia trồng cây xanh, các loại hoa để tạo cảnh quan đẹp… 

Việc phân loại rác thải tại hộ gia đình được xã vận động nhân dân thực hiện trước khi đưa ra địa điểm tập kết để thu gom xử lý. Toàn xã có 6 tổ thu gom rác, mỗi tổ có 2- 3 người tham gia, với hơn 30 xe đẩy rác hoạt động hiệu quả ở cả 6 thôn. 

Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn trên địa bàn được phân loại thu gom, xử lý theo quy định đạt 99,5%; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi bảo vệ môi trường đạt 97%; tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường đạt trên 85%, trên 90% hệ thống tiêu thoát nước trong xã có nắp đậy… Xã quy hoạch nghĩa trang, có quy chế quản lý, sử dụng đúng quy định.

Đặc biệt hiện nay, toàn xã Gia Xuân có hơn 30 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, trong đó có gần chục hộ, cơ sở giết mổ dê đều được ký cam kết bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm môi trường. Xã đã vận động các hộ chăn nuôi tự đầu tư xây các hầm biogas, làm đệm lót sinh học và hệ thống xử lý nước thải hợp vệ sinh trước khi thải ra môi trường. 

Những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Ninh Bình được xem là một trong những thành quả đáng ghi nhận nhất từ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường là tiêu chí động, khó có thể duy trì bền vững nếu không có lộ trình thực hiện dài hơi. Do đó, việc thực hiện đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới vừa là thách thức nhưng cũng là động lực, cơ hội để xây dựng nông thôn mới nơi đây ngày càng giàu đẹp.

Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì, nâng cao tiêu chí này, tỉnh Ninh Bình sẽ chú trọng quan tâm tới công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, hệ thống thu gom, thoát nước của các khu dân cư. Phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.

Phát triển kinh tế nông thôn gắn với công tác bảo vệ môi trường. Chú trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ môi trường... và có kế hoạch di dời các làng nghề vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất tập trung để có phương án xử lý môi trường triệt để.