Các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) có đóng góp đáng kể cho sự đổi mới và phát triển toàn cầu, đặc biệt là trong xã hội tri thức. Cùng với cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu lao động trong lĩnh vực STEM ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay lao động trong khối ngành này vẫn còn thiếu, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực STEM còn rất thấp.

Báo cáo tiến độ năm 2022 của LHQ về Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (mục tiêu Bình đẳng giới) cho thấy phụ nữ chỉ tham gia 20% công việc trong lĩnh vực STEM trên toàn cầu.

W-diendan-1.png

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự chênh lệch trong thu nhập và khả năng thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực STEM. Theo dữ liệu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), có ít hơn 30% nhà nghiên cứu trên thế giới là nữ và chỉ có 30% sinh viên nữ lựa chọn ngành học liên quan lĩnh vực STEM ở bậc giáo dục đại học.

Theo báo cáo, tỷ lệ nhập học của phái nữ trên toàn thế giới đặc biệt thấp trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (3%), khoa học tự nhiên, toán học và thống kê (5%), kỹ thuật, sản xuất và xây dựng (8%). Tại Liên minh châu Âu (EU), phụ nữ chỉ chiếm 32,8% số người được tuyển dụng trong các ngành sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao sử dụng nhiều tri thức (số liệu năm 2021); tại Hoa Kỳ và Canada, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 34% trong số những người được tuyển dụng trong các ngành nghề STEM (số liệu năm 2019); năm học 2020-2021, phụ nữ ở Anh chỉ chiếm 18,6% sinh viên theo học ngành kỹ thuật, công nghệ và chỉ 17,7% sinh viên theo học ngành điện toán…

Nguyên nhân khiến lao động nữ trong khối ngành STEM còn hạn chế là do phụ nữ thường gặp nhiều rào cản và định kiến khi lựa chọn theo đuổi lĩnh vực STEM. Theo đó, định kiến giới và định kiến chung của xã hội đều cho rằng nữ giới phù hợp với các công việc nhẹ nhàng, phù hợp với khối ngành dịch vụ, xã hội nhân văn, còn nam giới phù hợp với công việc kỹ thuật và các ngành thuộc khối tự nhiên, STEM.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang nền kinh tế tri thức với sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot và trí tuệ nhân tạo. Điều đó cho thấy vẫn còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cho STEM. Đây là thời điểm tốt nhất để phụ nữ mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực STEM đầy tiềm năng này.

Để gia tăng tỷ lệ nữ giới trong khối ngành STEM (bao gồm cả trong lĩnh vực GD-ĐT và thị trường lao động), cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, có chính sách hỗ trợ nữ giới tham gia học tập và làm việc trong các ngành nghề STEM…

Bên cạnh đó, việc đào tạo và tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực STEM sẽ góp phần đẩy mạnh nền khoa học phát triển, tăng tính đa dạng trong lực lượng lao động, đồng thời mang lại lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức.

Xuân An và nhóm PV, BTV