Huyện miền núi Xuân Lộc (Đồng Nai) hiện có 24 dân tộc thiểu số với trên 20.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 8% dân số toàn huyện, tập trung chủ yếu ở 23 ấp, 6 làng dân tộc. Những năm vừa qua, huyện đã thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chú trọng thu hút đầu tư, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc…

Sớm đạt chuẩn nông thôn mới

Để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, bà Huỳnh Thị Lành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Xuân Lộc cho biết: “Huyện đã có nhiều chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1 khu công nghiệp, 4 doanh nghiệp may và 29 doanh nghiệp khác, tạo việc làm ổn định cho trên 30.000 lao động, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bên cạnh đó, huyện còn triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc như xây dựng đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế…”.

Xã Suối Cao trước đây vốn là một xã đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Xuân Lộc và là địa bàn tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Chơ Ro. Nhưng thời gian qua, đời sống của đồng bào thiểu số ở đây nâng lên rõ rệt nhờ giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo và làm giàu.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm ngoái xã Suối Cao còn thành lập HTX Hồ tiêu Suối Cao với quy mô sản xuất 40 ha.

Hiện nay, các thành viên của HTX đang vừa canh tác vườn tiêu, vừa kết hợp chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập. HTX cũng áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật như: Lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân chuồng từ đàn dê 100 con của gia đình để bón cho hồ tiêu. 

Với việc nâng cao đời sống đồng bào thiểu số, tạo công ăn việc làm ổn định cho họ và phát triển kinh tế tập thể đã giúp cho xã Suối Cao được Hội đồng Thẩm định nông thôn mới tỉnh Đồng Nai công nhận, Suối Cao là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2020.

Thu hút đầu tư phát triển du lịch

Là địa phương có nhiều đồng bào Chăm, đồng bào S’Tiêng sinh sống, để thu hút các nhà đầu tư, chính quyền xã Xuân Hưng đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, cơ sở pháp lý, thủ tục hành chính… Nhờ vậy, đã có 2 doanh nghiệp đến đầu tư vào Xuân Hưng, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ông A Mine, Trưởng Ban nhân dân ấp 4, xã Xuân Hưng cho biết: “Trước đây, đồng bào đa số làm ruộng, săn bắt chim, ong kiếm sống qua ngày. Từ khi có doanh nghiệp đến đầu tư, đồng bào có việc làm và thu nhập ổn định 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Toàn ấp hiện có trên 700 người đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn”.

Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, Xuân Lộc còn mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có kinh nghiệm và tài chính đến đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Xuân Lộc đã quy hoạch dự án du lịch hồ Núi Le nằm ở Khu 7, thị trấn Gia Ray với quy mô 112 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng; dự án du lịch hồ Gia Ui ở xã Xuân Tâm, quy mô khoảng 47 ha, tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng; dự án thác Trời ở xã Xuân Bắc, quy mô khoảng 50 ha… Khi đi vào hoạt động, các dự án này sẽ tạo động lực cho thương mại, dịch vụ, làng nghề trên địa bàn phát triển, vừa góp phần tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, vừa tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là con em đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn.

Bảo Phùng, Kim Duyên, Hồng Hạnh, Trần Chung