Đẩy mạnh sưu tầm, biên soạn, quản lý lâu dài và phổ biến các giá trị văn hóa phi vật thể

Cách TP. Huế 70km về phía Tây, A Lưới- quê hương của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh đã tạo nên cho mạnh đất này những giá trị lịch sử văn hóa vô cùng quý báu đó là bảo tàng sống về kiến trúc, về phong tục tập quán, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ, các lễ hội đặc sắc.

{keywords}
Việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”, huyện A Lưới đã thu được nhiều kết quả.

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được quan tâm, chú trọng bằng nhiều việc làm cụ thể như đã khôi phục được 09 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu, 04 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô; và có hơn 127 nhà vừa kết hợp kiểu kiến trúc truyền thống vừa hiện đại, xây dựng 01 Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc; 01 nhà trưng bày hiện vật Văn hóa và hiện vật chiến tranh; 01 nhà Trưng bày hiện vật DTLS Đồi A Biah; 01 nhà trưng bày chứng tích chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại A So; Đã phục dựng lại một số khu nhà Piing truyền thồng dân tộc Pa Cô, Cơ Tu... Thực hiện tốt Đề tài “Phân loại, đánh giá giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể dân tộc thiểu số ở A Lưới”, tổ chức trưng bày tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc nhân dịp 19/5/2013 và Đề tài “Các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống”.

Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, phát triển tạo ra những sản phẩm độc đáo như nghề đan lát thủ công truyền thống, nghề dệt dèng của người Tà Ôi – được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt đã hình thành các hợp tác xã dệt Dèng và đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, được du khách và các nhà thiết kế thời trang ưa chuộng và quan tâm. Trang phục thổ cẩm truyền thống của các dân tộc sử dụng hằng ngày trong lao động, sản xuất, các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng.Chính vì thế, thời gian qua huyện nhà đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Trong đó, cụ thể là Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”. Vì vậy việc sưu tầm, trưng bày các hiện vật văn hóa truyền thống cũng như việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm đặc trưng đều phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của đồng bào nên giữ được những nét hoa văn, chất liệu truyền thống. Đã vận động cán bộ nhân dân trên địa bàn huyện hiến tặng trên 330 hiện vật (trong đó hiện vật chiến tranh 213, hiện vật văn hóa truyền thống 82 hiện vật được trưng bày tại 03 nhà trưng bày hiện vật A Bia, A So, Trung tâm SHVH các dân tộc thiểu số huyện.

Với việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”, huyện A Lưới đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ về công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc A Lưới. Trong thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới và góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, huyện A Lưới sẽ quan tâm và triển khai thực hiện thường xuyên các giải pháp sau:

Thứ nhất, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số ở cấp huyện được xem là một trong những giải pháp quan trọng ở giai đoạn hiện nay. Giải pháp hiệu quả để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới chính là xác định văn hóa là nền tảng để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đồng thời phát triển du lịch nhằm tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhằm tuyên truyền giá trị văn hóa của huyện A Lưới.

Thứ hai, chú trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn huyện về vai trò của giá trị văn hóa truyền thống, về bảo tồn, xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch. Đồng thời tăng cường hoạt động xã hội hóa, nguồn lực đầu tư xây dựng và cũng cố các thiết chế văn hoá thiết yếu để nâng cao vai trò chủ đạo trong từng lĩnh vực và trong quá trình phát triển sự nghiệp văn hóa; liên kết hợp tác để thực hiện có hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn, quản lý lâu dài và phổ biến các giá trị văn hóa phi vật thể và phi vật thể như nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, dân ca, dân nhạc, dân vũ, ca dao, tục ngữ, truyện cổ... Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập thể, cá nhân tổ chức các hoạt động biễu diễn nghệ thuật truyền thống và truyền dạy nghề trên cơ sở khai thác, phổ biến nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ và tạo điều kiện về vật chất cho các đơn vị hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Thứ năm, đề cao vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò then chốt trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa qua truyền dạy, bồi dưỡng và tập huấn, hội thi sáng tác, khuyến khích bằng tiếng dân tộc. Thường xuyên đăng tải và giới thiệu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở A Lưới qua hệ thống truyền thông đại chúng.

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Qua đó bản sắc văn hóa của các dân được kế thừa, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, ẩm thực truyền thống, phong tục tập quán, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ cùng các lễ hội đặc sắc được bảo tồn. 

Phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Mục tiêu chính của hướng phát triển Văn hóa, Du lịch gắn với Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 là nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch A Lưới – Du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo động lực nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tiếp tục xây dựng đề án phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới 2021 - 2025. Nhiệm vụ cụ thể như:

- Về cơ sở vật chất:Phấn đấu 100 % xã có nhà văn hóa xã; khôi phục và phát huy kiến trúc nhà mồ truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới.

Xây dựng bảng giới thiệu bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh và tiếng bản địatại các làng du lịch cộng đồng, các điểm di tích lịch sử; bảng tên làng…

- Văn hóa vật thể:Phục dựng không gian làng văn hóa các dân tộc huyện A Lưới tại các địa phương. Chọn 03 làng để tập trung đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, gồm: Làng Pa Ris – Ka Vin, xã Lâm Đớt đại diện cho dân tộc Tà Ôi; Làng A Nôr – Việt Tiến, xã Hồng Kim đại diện cho dân tộc Pa Cô; Làng Cân Tôm, xã Hồng Hạ đại diên cho dân tộc Cơ Tu.

Bảo vệ, tu bổ, tôn tạo kịp thời hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, xây dựng các tour tuyến tham quan du lịch.

Xây dựng vườn tượng điêu khắc dân gian truyền thống,phục vụ khách du lịch.

Đề nghị xếp hạng di tích đối với di tích 300 mét đoạn đường Hồ Chí Minh nguyên bản chạy qua huyện A Lưới thuộc địa phận thôn Đụt I, xã Hồng Kim.

Văn hóa phi vật thể:Khơi dậy và phát huy các lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội lớn như: Lễ  hội Ân Ninh của người Cơ tu, Âr Pục của người Pa cô... Tổ chức định kỳ các hoạt động Lễ hội dân tộc đặc sắc, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho A Lưới.

Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và mở các lớp truyền dạy các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, đồng thời tổ chức trình diễn thường xuyên, phục vụ khách du lịch.

Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm nội dung, ý nghĩa các nghi lễ truyền thống, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, câu đố, sự tích dòng họ, tên làng tên sông, tên núi... nguyên gốc để lưu giữ thành dữ liệu.

Bảo tồn và phát huy các loại hoa văn trang trí nhà Roong, Gươl, Târ đah, Piing truyền thống.

Tiếp tục đưa ngôn ngữ dân tộcvào chương trình học ở các cấp học và cho cán bộ, công chức trên địa bàn.

Tiếp tục đưa các lễ hội truyền thống, các ca khúc được chuyển thể từ lời Pa Cô, Tà Ôi sang lời Việt và từ lời Việt sang lời Pa Cô, Tà Ôi vào các tiết học ở cấp Tiểu học, Mầm Non.

Tổ chức phát động nhân dân tiến hành sưu tầm và hiến tặng các hiện vật – kỷ vật chiến tranh, hiện vật văn hóa truyền thống, để trưng bày, triển lãm tại các nhà trưng bày của huyện và nhà truyền thống tại địa phương.

- Ẩm thực: Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các loại giống cây trồng truyền thống, cây nguyên liệu đặc sản, cách thức chế biến các món ăn truyền thống, khai thác phục vụ khách du lịch.

- Về việc cưới, việc tang: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến theo tinh thần của Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ VHTTDL Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Mở rộng giao lưu và hợp tác về văn hóa; khai thác có hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng sẵn có như: các lễ hội truyền thống, các tập tục tốt đẹp trong sinh hoạtthường ngày, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, ẩm thực, hệ thống làng nghề, điểm di tích lịch sử cách mạng, các trò trơi dân gian truyền thống… nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng tạo sức hấp dẫn cho du khách đến với du lịch vùng cao A Lưới.

Qua giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020” Với những thành tựu đã đạt được và những hạn chế tồn tại đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm cho giai đoan tiếp theo. Hi vọng Đề án “ Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025” sẽ phát huy mạnh mẽ và đạt được những khởi sắc toàn diện hơn nữa trong công tác Bảo tồn phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới cùng hòa nhập và trường tồn cùng văn hóa nhân loại.

Nguyễn Liên

Ảnh: Bạt Tuấn