Mới đây, Viện Nghiên cứu Cơ khí vừa kiến nghị một số giải pháp nhằm khuyến khích các Chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện đốt than đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển các thiết bị nhà máy nhiệt điện. Trong đó, có một số đề xuất đáng chú ý.
Cơ khí là ngành công nghiệp hỗ trợ không thể thiếu trong nhiệt điện đốt than |
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Cơ khí, cần có cơ chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay của Chủ đầu tư cho dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 kèm theo điều kiện bắt buộc dự án phải thực hiện theo Quyết định 1791.
Cần có cơ chế ưu đãi để khuyến khích các Chủ đầu tư trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp cơ khí trong việc phát triển các thiết bị nhiệt điện theo Quyết định 1791 bằng cách: Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện được Bộ Công Thương công nhận đang thực hiện theo Quyết định 1791, sẽ được hưởng ưu đãi có thời hạn về giá điện tương tự mô hình đã thực hiện với các dự án điện mặt trời.
Đối với phần tài chính cho 11 hạng mục phụ được tách ra nội địa hóa theo Quyết định 1791 thuộc phạm vi Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu xếp toàn bộ 100% nguồn vốn thực hiện các hạng mục này.
Đối với một số hệ thống thiết bị trong nước đã làm được như: Hệ thống cung cấp than, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro và xỉ, hệ thống nước làm mát tuần hoàn cần có cơ chế bảo hộ hàng hóa trong nước, đề nghị đưa các hệ thống kể trên vào danh mục máy móc, thiết bị, vật tư trong nước đã sản xuất được và được hưởng các ưu đãi tương ứng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt (mức tương tự đối với ô tô tải 30%), thuế tự vệ với các Chủ đầu tư nhập nguyên bộ các hệ thống này trong hợp đồng EPC.
Hoàng Hiệp