Chủ đề của hội nghị WAIPA là "Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm".

Thu hẹp khoảng cách về giới là một trong các ưu tiên của ASEAN trong tiến trình đạt được sự phát triển bền vững và bao trùm. Nội dung này cũng được đưa vào các mục tiêu và chỉ tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 5: Đạt được Bình đẳng giới và Trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ASEAN, bất bình đẳng giới vẫn là thách thức không nhỏ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội”.

{keywords}
Đoàn nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) được tiến hành theo hình thức trực tuyến chiều 23/4.

 

Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD năm 2018, nhiều phụ nữ không thể tiếp cận Internet do các rào cản về khả năng tiếp cận, chi trả, giáo dục, sự thiếu hiểu biết về công nghệ. Bên cạnh đó, đại dịch Covid - 19 cũng ảnh hưởng lớn đến khu vực lao động - việc làm, đòi hỏi các quốc gia thành viên ASEAN phải bảo đảm lực lượng lao động, đặc biệt là phụ nữ, được trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng và công cụ nhằm thích ứng và đổi mới công nghệ tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số. 

Đặt vấn đề này, thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei cho biết, Brunei đề xuất dự thảo Nghị quyết Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm, nhằm khích lệ các Nghị viện thành viên AIPA thực thi và tăng cường các chiến lược kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực số, cải thiện khả năng tiếp cận cũng như giá thành các công nghệ kỹ thuật số trong khi bảo đảm giảm thiểu các rủi ro về an ninh trong không gian số đối với phụ nữ. Dự thảo Nghị quyết cũng phản ánh các cam kết của AIPA trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ASEAN và AIPA, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực phục hồi kinh tế, các hoạt động của AIPA cũng như các kế hoạch nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

Tham gia đóng góp vào dự thảo Nghị quyết, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ và đặt ra những thách thức mới đối với phụ nữ trong tiếp cận việc làm, các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là tài chính. Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng cho rằng, trong lĩnh vực số hóa không chỉ có khoảng cách giới mà còn cả phân biệt giới. Trong bối cảnh đó, các nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về kỹ thuật số và tài chính bao trùm, nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế của phụ nữ trong tương lai của việc làm và phục hồi sau đại dịch.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một số giải pháp như: kêu gọi các quốc gia thành viên AIPA tăng cường vai trò của các Nghị viện trong việc kiểm soát và phòng ngừa Covid-19 thông qua việc tiếp cận công bằng và bình đẳng cũng như hợp tác, chia sẻ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng của ASEAN; cải thiện hệ thống pháp luật quốc gia và khu vực nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính trong tương lai sau đại dịch.

Dự thảo Nghị quyết cần kêu gọi các thành viên AIPA thúc đẩy hợp tác ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, xây dựng mạng lưới kết nối nhằm đào tạo và tạo việc làm cho phụ nữ; thực hiện nghiên cứu tác động toàn diện của Covid-19 đối với lao động nữ ASEAN để đưa ra kế hoạch sau đại dịch về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.

Hà Yên