Mô hình “Cánh đồng lớn” được triển khai thực hiện tại thành phố Cần Thơ từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha, nhưng gần đây đã tăng lên trên 30.0000 ha/vụ, giúp nông dân thuận lợi ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong vụ lúa đông xuân năm ngoái thành phố Cần Thơ duy trì và mở rộng 119 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích hơn 31.500ha, nhiều hơn 1.902ha so với vụ đông xuân trước đó, với 22.381 hộ nông dân tham gia.

Tham gia sản xuất lúa trong cánh đồng lớn các hộ nông dân đều phấn khởi. Bởi vì lúa làm ra đều được đặt hàng, nên đầu ra rất yên tâm, giá bán lại cao hơn vài trăm đồng/kg lúa.

Tham gia “Cánh đồng lớn”, nông dân không chỉ đủ ăn mà còn sớm làm giàu
Tham gia “Cánh đồng lớn”, nông dân không chỉ đủ ăn mà còn sớm làm giàu. Ảnh minh họa.

Tại hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân hiện có 233 thành viên, diện tích sản xuất 429ha. Mục tiêu của hợp tác xã là liên kết các hộ dân lại để sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nhằm hình thành vùng sản xuất lúa sạch, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu lớn cung cấp cho doanh nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lúa.

Trước đây sản xuất lúa hàng hóa, nông dân thường gặp khó khăn đầu ra. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, khi tham gia vào cánh đồng lớn, các nông hộ sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và được cung cấp lúa giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật... ngay đầu vụ. Đến cuối vụ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra nên nhiều vụ lúa vừa qua họ mạnh dạn đưa các loại lúa chất lượng vào sản xuất nên cuối vụ bán được giá cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, việc thực hiện “Cánh đồng lớn” đã hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín, chú trọng đến phẩm chất lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng tạo điều kiện để đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất tạo đà phát triển theo hướng bền vững.

Nông dân tham gia “Cánh đồng lớn” có điều kiện thuận lợi để áp dụng các quy trình sản xuất mới, 100% nông dân sử dụng giống xác nhận, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, giữa các khu vực chênh lệch từ 5 - 10 ngày, nông dân còn ứng dụng sạ hàng, sạ thưa tiết kiệm từ 80 - 100kg lúa giống/ha so trước đây, đồng thời cũng bón phân cân đối hơn, giúp lượng phân giảm đáng kể, nhất là phân đạm. Qua đó, chi phí sản xuất giảm từ 4 - 10% so với ngoài mô hình, năng suất tăng từ 0,07 – 0,4 tấn/ha, lợi nhuận của nông dân trong mô hình cao hơn so với nông dân ngoài mô hình “Cánh đồng lớn”.

Thuý Tình