Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, đến đầu năm 2024, toàn tỉnh Bến Tre còn 21.061 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều là 5,22%. Trong đó, 10.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63% và 10.461 hộ cận nghèo, (2,59%). Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Ba Tri (5,55%); thấp nhất là thành phố Bến Tre (0,76%).
Ba Tri là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Đây được xem như "vựa lúa" của tỉnh Bến Tre và có tổng đàn bò lớn nhất. Tuy nhiên, là huyện vùng ven biển, Ba Tri cũng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây còn cao.
Đến đầu năm nay, huyện còn 3.070 hộ nghèo và 2.923 hộ cận nghèo. Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (gấp đôi mức trung bình toàn tỉnh), Ba Tri là địa bàn trọng điểm triển khai các dự án trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ chỉ tiêu tỉnh giao, địa phương cụ thể hoá các nội dung hoạt động, giao chỉ tiêu về các xã, thị trấn.
Thực hiện chương trình giảm nghèo tại huyện Ba Tri đạt nhiều kết quả khả quan còn có sự góp sức của các tổ chức hội, đoàn thể. Đơn cử, với Hội Nông dân huyện Ba Tri, đồng hành cùng hội viên trong công tác giảm nghèo, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Tri Phạm Văn Thành.
Từ đầu năm 2024, huyện hội tổ chức phát động thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” và triển khai kế hoạch giảm nghèo trong toàn thể hội viên nông dân.
Năm nay, huyện thành lập mới 3 tổ hội nông dân nghề nghiệp nghèo. Cụ thể, các tổ hội trồng màu tại 3 xã Vĩnh An, An Đức, Phú Lễ có 19 thành viên tham gia; tổ nuôi dê sinh sản giảm nghèo tại xã An Đức với 11 thành viên; tổ giảm nghèo bền vững với mô hình nuôi trùn quế tại xã Phú Lễ với 10 thành viên. Với các tổ hội đã thành lập năm 2023, huyện hội cũng giao phấn đấu mỗi tổ có ít nhất 10% hộ thoát nghèo bền vững.
Các xã năng động
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, cho biết, hàng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo chỉ tiêu Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện, kết quả đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Qua điều tra năm 2024, xã có 178 hộ nghèo, tỷ lệ 5,43% (giảm 65 hộ, giảm 2% so với năm 2023); 286 hộ cận nghèo, tỷ lệ 8,74% (giảm 98 hộ, giảm 3%).
Xã Tân Xuân thực hiện tốt dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Năm nay, xã được huyện phân bổ trên 2,36 tỷ đồng. Tổng cộng có 55 hộ tham gia (20 hộ nghèo, 30 cận nghèo và 5 hộ thoát nghèo), được hỗ trợ nuôi bò sinh sản.
Để hỗ trợ bà con sinh kế để có điều kiện vươn lên, xã Tân Xuân cũng vận động sự ủng hộ, chung tay của cộng đồng. Ngoài ra, xã đã vận động xây tặng 2 căn nhà tình thương, tổng kinh phí 100 triệu đồng; 15 căn nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí 760 triệu đồng...
Tại xã An Phú Trung, đầu năm 2024 còn 99 hộ nghèo, trong đó 88 hộ không có khả năng lao động; 116 hộ cận nghèo. Để các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo được đúng hướng, thiết thực, xã linh động trong kết hợp, tranh thủ huy động nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể.
Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND xã đã hỗ trợ người nghèo và hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vay ưu đãi với tổng dư nợ lên tới 26 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được xem là "bệ đỡ" để các hộ dân phát triển sản xuất, mở ra cơ hội việc làm, giúp nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho các gia đình đang gặp khó khăn.
Chăm lo chiều thiếu hụt về y tế cho người nghèo, cận nghèo, hiện 100% nhân khẩu thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại xã An Phú Trung đều có thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Nhiều đợt khám và cấp thuốc miễn phí được tổ chức cho bà con trong xã.
Chăm lo về nhà ở, xã xây dựng 5 căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Những nỗ lực này đã giúp người nghèo vượt khó và tạo động lực cho họ vươn lên trong cuộc sống. Các chính sách trợ cấp xã hội cũng được thực hiện đầy đủ, giúp người nghèo giảm bớt gánh nặng chi phí như tiền điện, học phí và chi phí học tập.
Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm. Nhiều buổi họp mặt và đối thoại với người nghèo được tổ chức, nhằm cung cấp tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hai lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng rau an toàn và nấu ăn được tổ chức, thu hút 45 học viên tham gia. Đến nay, có 37 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài.